(GLO)- Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển, bởi vậy nhiều nhà vườn đang hy vọng một vụ mùa năng suất cao. Tuy nhiên, từ khoảng một tháng trở lại đây, nhiều nông dân khá lo lắng trước tình trạng cà phê liên tiếp bị rụng trái bởi bệnh nấm hồng.
Là chủ nhân của gần 1.500 gốc cà phê đang trong thời kỳ cho thu hoạch, mỗi năm chi phí đầu tư cả trăm triệu đồng, anh Hà Văn Tiêm (thôn Lâm Tôk-xã Ia Dơk-huyện Đức Cơ) không khỏi lo lắng khi thấy nhiều cây đang khỏe mạnh, quả sai trĩu cành đột ngột rụng lá ngọn, thối đen cuống và rụng trái. Theo anh Tiêm, thời tiết năm nay mưa sớm, lượng mưa đầu mùa trải đều nên cà phê không bị áp lực thiếu nước, trái rất sai và chắc.
Cây cà phê này đã bị nấm hồng tấn công làm chết một số cành. Ảnh: Hải Lê |
Hơn nữa, theo kinh nghiệm của người trồng cà phê, cứ theo quy luật, cây cà phê thường một năm sai trái, năm sau ít quả hơn và ngược lại. Bởi vậy, chiếu theo quy luật trên, năm nay sẽ là năm được mùa cà phê. “Năm nay tôi cũng đầu tư khá mạnh cho vườn cà phê. Riêng 2 lần bón phân đã mất mấy chục triệu, chưa kể công chăm bón, tưới tắm, cỏ giả…”- anh Tiêm, cho biết.
Tuy nhiên, sau đợt mưa kéo dài suốt tháng 7, nhiều cây cà phê bị nhiễm bệnh nấm hồng. “Ban đầu thấy có lớp phấn phủ màu hồng phấn nhẹ trên cành hoặc thân cây cà phê, chỉ vài ngày sau lá đã héo úa và rụng, cành cũng xuất hiện các chấm đen sau đó chết khô dần. Có bao nhiêu quả trên cành đều chết khô hoặc rụng sạch. Cây nào nhẹ thì chết cành, có cây bị chết ngang thân. Rất xót!”- anh Tiêm, mô tả.
Cũng theo anh Tiêm, các năm gần đây, sâu bệnh hại cây trồng ngày một nhiều hơn. Trước đây bệnh nấm hồng ở cây cà phê xuất hiện rất ít, mà thông thường diễn ra trên cây cao su. Vài năm gần đây thấy loại bệnh này “ăn” qua cà phê ngày càng nhiều hơn. “Trước mùa mưa, lo sợ vườn cà phê nhiễm bệnh, tôi đã đi mua thuốc phòng trừ bệnh nấm hồng về phun, vậy mà giờ vẫn bị”- anh Tiêm, nói.
Nhiều cành cà phê rất sai quả nhưng bị nhiễm bệnh, khô đen. Ảnh: Hải Lê |
Hộ anh Kpuih Blin (làng Lung 2-xã Ia Kriêng-huyện Đức Cơ) cũng có tới 1.700 gốc cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Vườn cà phê nhà anh vụ này khá sai quả song xuất hiện nhiều cây bị bệnh nấm hồng, nhất là phần diện tích giáp với các vườn cao su. “Đa số bị chết cành, cây nào bị nặng thì chết nhánh hoặc cả cây. Thường thì hễ mắc bệnh nấm hồng rất khó cứu chữa và diễn biến bệnh rất nhanh”- Blin nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, từ khoảng hơn một tháng nay, trên địa bàn một số xã như: Ia Krêl, Ia Lang, Ia Kriêng, thị trấn Chư Ty… đã phát hiện nhiều diện tích cà phê của bà con bị rụng trái, đặc biệt là các diện tích cà phê trồng xen lẫn hoặc sát các vườn cao su. Chúng tôi đã khảo sát và nhận định nguyên nhân là do bệnh nấm hồng gây khô cành, rụng quả. Bệnh do nấm có tên gọi là Corticium Salmonicolor gây ra, thường lây lan nhanh gây và thiệt hại rất lớn cho vườn cây.
Phòng đã khuyến cáo và gửi văn bản hướng dẫn về các xã để tuyên truyền cho người dân cách phòng trừ, ngăn chặn và điều trị khi cà phê bị mắc bệnh nấm hồng. Cụ thể, bà con nên tỉa cành chồi để cây luôn thoáng đãng, tránh quá um tùm, ẩm ướt vì đây chính là điều kiện lý tưởng để bệnh nấm hồng gây hại. Khi có biểu hiện bệnh nên phun thuốc đặc trị nấm hồng càng sớm càng tốt, nếu bệnh đã phát triển tới mức độ nặng, quả cà khô cuống, thối đen quả thì nên cắt bỏ phần cây bị bệnh và cách ly, tiêu hủy đề phòng nấm tiếp tục phát tán, lây lan sang cây lành khác-ông Tư cho biết thêm.
Hải Lê