(GLO)- Thêm một tin vui cho mỹ thuật Gia Lai khi mới đây, họa sĩ Mai Quý Ngọc vinh dự nhận giải B (không có giải A) tại triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên lần thứ 24 diễn ra tại Đak Lak. Thành công của anh đã khẳng định sự trưởng thành của lớp nghệ sĩ trẻ, đồng thời tạo nên những bước tiến vững vàng của mỹ thuật Gia Lai tại sân chơi khu vực và cả nước.
Thế hệ nghệ sĩ trẻ tài năng
Với tác phẩm “Mẹ Tây Nguyên” (chất liệu tổng hợp), họa sĩ Mai Quý Ngọc một lần nữa thành công với sự lựa chọn của mình khi tiếp tục khai thác đề tài về văn hóa Tây Nguyên. Hiện là giáo viên Mỹ thuật Trường THCS Trưng Vương (TP. Pleiku), song sự chuyên chú dành cho nghệ thuật của anh đã được đền đáp xứng đáng. Kể cả giải thưởng mới nhận được, Mai Quý Ngọc đã “bỏ túi” 7 giải thưởng toàn quốc và khu vực, chưa kể các giải thưởng trong tỉnh.
Chia sẻ niềm vui này, Mai Quý Ngọc cho rằng mình có chút may mắn với giải thưởng. Thật ra, đó chỉ là cách nói khiêm tốn của người làm nghệ thuật. Bởi ai cũng hiểu rằng, chính sự nhọc nhằn, lao động nghiêm túc mới làm nên thành công trong hành trình dài đến với nghệ thuật của sắc màu. Anh chia sẻ: “Thật trùng hợp khi cả 2 tác phẩm đạt giải B tại triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 24 đều khai thác đề tài Tây Nguyên. Điều đó cho thấy, vùng đất này có những trầm tích để các loại hình nghệ thuật khai thác không bao giờ cạn. Nhưng cũng chính vì vậy mà người nghệ sĩ phải lao tâm khổ tứ nhiều hơn. Chúng tôi luôn phải tìm tòi để tìm cho được cái khác lạ từ chính những điều quen thuộc. Lạ nhưng vẫn phải gần gũi với đời sống, chạm được vào cảm xúc của người xem. Tôi lựa chọn đề tài về người mẹ Tây Nguyên và sẽ còn theo đề tài này lâu dài. Càng đi sâu, tôi càng nhận ra minh triết trong văn hóa mẫu hệ của người bản địa Tây Nguyên, và càng bị đề tài này kích thích sáng tạo. Làm sao để bằng ánh sáng nghệ thuật, tôi có thể đem đến cho người thưởng lãm thấy được vẻ đẹp văn hóa ấy từ góc nhìn đa chiều”.
Họa sĩ Mai Quý Ngọc bên tác phẩm “Mẹ Tây Nguyên”. Ảnh: N.B |
Họa sĩ Mai Quý Ngọc cũng tin rằng, một thế hệ nghệ sĩ trẻ cùng lứa với anh đã và đang có sự lựa chọn đề tài đúng đắn, chuyên chú với sáng tác để tạo nên những thành công riêng. Có thể kể đến các họa sĩ Nguyễn Văn Chung, Lê Nguyễn Thảo My, Mai Thị Kim Uyên, Phạm Thế Bộ, nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Vinh… Đây cũng là lứa nghệ sĩ có nhiều thành công trong các sân chơi mỹ thuật khu vực và toàn quốc.
Họa sĩ Lê Hùng-Chi hội trưởng chi hội Mỹ thuật Gia Lai-nhìn nhận: “Các tác phẩm của họ luôn có những góc nhìn thực tế cuộc sống khá lạc quan, mới mẻ, nội dung tinh tế, sâu sắc. Mỗi người đều luôn tự ý thức để đạt được cái tôi riêng trong sáng tạo. Cái đáng quý, đáng trân trọng chính là trong mỗi tác phẩm của họ đều thể hiện cảm xúc chân thật, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với chính vùng đất đã nuôi dưỡng mình. Vì vậy mà các sáng tác luôn chạm đến người xem bằng những tình cảm hết sức tự nhiên, chân thật”.
Khẳng định vị thế trong sân chơi toàn quốc
Sự thành công của thế hệ nghệ sĩ trẻ cho thấy mỹ thuật Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế trong sân chơi mỹ thuật toàn quốc. Điều đáng mừng là trong khi thế hệ đi trước vẫn còn đang sung mãn sáng tác thì lớp họa sĩ trẻ cũng hừng hực nối gót đam mê. Sự thành công, dấn thân cho nghệ thuật của những “cây đa cây đề” trong làng mỹ thuật như nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, họa sĩ Lê Hùng, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Nhâm chính là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ. Trong khi nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu liên tục mang tranh đi triển lãm ở một số quốc gia trên thế giới, tổ chức được triển lãm cá nhân ở 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì họa sĩ Lê Hùng vẫn miệt mài vừa sáng tác, vừa theo sát thế hệ trẻ trong các sân chơi mỹ thuật. Ông không nói ra nhưng người trong giới vẫn thầm nể phục vì số tranh ông bán được. Điều đó khẳng định thành công của người làm nghệ thuật. Thỉnh thoảng, người ta lại thấy tranh Lê Hùng xuất hiện trong những không gian sang trọng nào đó. Dù không cần nhìn tên tác giả, nhiều người vẫn nhận ra cái chất riêng qua cách sử dụng mảng khối, màu sắc tài tình của ông.
Họa sĩ Mai Quý Ngọc chia sẻ: “Tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài của thế hệ đi trước đã truyền cảm hứng, nguồn năng lực tích cực cho tôi trong sáng tác. Đặc biệt là họa sĩ Lê Hùng. Ông theo sát thế hệ cầm cọ trẻ, kịp thời có mặt động viên chúng tôi trong mọi sân chơi lớn. Ông giúp chúng tôi nhận ra cái yếu, cái thiếu của mình để dần hoàn thiện”.
Chính sự tương tác giữa các thế hệ nghệ sĩ đã tạo nên dòng chảy kế thừa mạnh mẽ cho mỹ thuật Gia Lai. Bất cứ ai đứng trong sân chơi này cũng có quyền tự hào. Họa sĩ Lê Hùng đánh giá: “Cách đây 30 năm, mỹ thuật Gia Lai chỉ là cái bóng đơn độc, thầm lặng so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Đến nay, dấu ấn khởi sắc và sự trưởng thành của mỹ thuật Gia Lai hiện hữu ngày càng rõ nét. Điều này minh chứng cho sự phong phú, đa dạng và đầy quyến rũ của đời sống thực tại trên vùng đất Tây Nguyên hoang sơ, huyền hoặc nhưng thấm đẫm tính nhân văn, bản sắc văn hóa đặc thù”.
Góp mặt đều đặn trong các triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc, họa sĩ Lê Hùng tin rằng, với đội ngũ họa sĩ trẻ đầy đam mê, dồi dào sức sáng tạo như hiện nay, mỹ thuật Gia Lai sẽ tiếp tục tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, làm phong phú thêm kho tàng văn học, nghệ thuật của tỉnh.
NGUYÊN BÌNH