Có một thực tế là để ngăn ngừa COVID-19, trong khi chờ văcxin, chỉ có một loại "văcxin" hiệu quả nhất đã được thử nghiệm hiệu quả ở Vũ Hán (Trung Quốc), đó là: ở đâu yên đấy, mà trong mùa dịch vẫn được gọi là phong tỏa, cách ly diện rộng.
Khi cần phải di chuyển tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), người dân ý thức đeo khẩu trang để phòng dịch - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Người Vũ Hán phải trả giá cho những ngày thành phố bị phong tỏa, nhưng nay họ đã thở phào, dịch bệnh đang dần đi qua.
Nhiều nước châu Âu mới ngày nào vô tư đi lại, thậm chí không ít chính phủ ở đây đã chỉ trích các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, ủng hộ quyền đi lại của cá nhân... nay phải thừa nhận ở đâu yên đấy là giải pháp hữu hiệu để kiểm soát COVID-19. Thậm chí, họ còn khắc nghiệt hơn khi cấm cả cuộc tụ tập trên 10 người. Rất nhiều nước đã cấm công dân nước ngoài nhập cảnh.
Mỹ, từ chỗ chỉ khuyến cáo người cao tuổi tự cách ly, nay cũng đã khuyến cáo bạn trẻ hãy ở nhà vì ra đường rồi về lây cho người cao tuổi ở nhà.
Cái giá của ở đâu yên đấy quá đắt. Các hãng hàng không, ngành du lịch đối mặt nguy cơ phá sản. Các thị trường tài chánh bốc hơi hàng ngàn tỉ USD, khi các lệnh cấm du hành được các nước ban ra. Kịch bản xấu nhất có thể có thêm gần 25 triệu người thất nghiệp.
Cần nhắc lại, châu Âu và Mỹ từng đắn đo rằng lệnh cấm đi lại sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, nay nhận ra rằng chẳng gì có thể cứu được nền kinh tế nếu dịch lan rộng. Còn cho đi lại, số người nhiễm virus tăng theo cấp số nhân, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tại Việt Nam, các biện pháp hạn chế đi lại đã thực hiện từng bước thông qua tạm dừng miễn visa đơn phương, cách ly người từ vùng dịch ở nước ngoài... nhưng bệnh vẫn lây lan.
Trong giai đoạn 2, có đến gần 70 ca nhiễm mới là từ nước ngoài về và đã có ca lây ra cộng đồng, kéo theo hàng ngàn người phải cách ly... Liên tục Bộ Y tế phải ra thông báo khẩn để truy tìm người đã đi chung trên những chuyến bay có người dương tính với COVID-19. Chưa kể tới đây nếu các hãng bay vẫn vận chuyển, có thể thêm hàng chục ngàn người Việt trở về nước cũng gây áp lực lên việc kiểm soát dịch ở trong nước.
Thuốc đắng mới dã tật, thuốc đắng là "văcxin" ở đâu yên đấy. Dù không mong muốn, nhưng lệnh tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ 18-3 đã được ban hành. Vietnam Airlines đã tạm dừng bay quốc tế một thời gian. Các biện pháp này giúp kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài.
Chưa đủ, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh chiều 29-3 cho rằng 2 tuần tới là quyết định đối với Việt Nam. Nhiều người hiểu rằng một khi đã cách ly nguồn lây từ nước ngoài, chúng ta phải tập trung xử lý hiệu quả các ca ở nội địa có thể lây từ người đã nhập cảnh trước đó. Nếu không kiểm soát tốt sẽ phát sinh ổ dịch mới trong nội địa, đó mới thật sự đáng lo.
Mọi người đã trải qua cảm giác lo lắng trước những ca lây nhiễm mới được công bố, nhưng đó là những ca "ngoại nhập". Nỗi lo gấp bội nếu là ca lây ngay trong cộng đồng. Vì thế, lúc này, thông điệp quan trọng từ chính quyền là người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài để giảm nguy cơ lây nhiễm, bởi lúc này vẫn chưa ngăn chặn triệt để nguồn lây trong cộng đồng.
Chúng ta đã quen với đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách... để chống dịch, rồi đây mọi người phải tập quen dần với cuộc sống bớt đi lại, giảm tụ tập. Khó chịu thật, nhưng đó là sự thật phải đối mặt nếu muốn dịch sớm qua đi.
Theo THANH TUYỀN (TTO)