Bỏ tư duy không quản được thì cấm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trên tinh thần dứt khoát “bỏ tư duy không quản được thì cấm” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp mới đây đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ đông đảo cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân.

Thời gian qua, những biểu hiện “quản không được thì cấm” trong xây dựng cơ chế, chính sách không phải hiếm. Chẳng hạn, trong việc cấm dạy thêm, học thêm, các cơ quan quản lý phối hợp với nhà trường áp dụng nhiều biện pháp, có cả kiểm tra đột xuất nhà giáo viên để xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng các lớp học thêm vẫn tồn tại. Thay vì cấm đoán, nên đưa ra các quy định để quản lý, như yêu cầu dạy thêm phải đăng ký và tổ chức kiểm soát chặt chẽ đảm bảo hoạt động dạy thêm học thêm không phát sinh tiêu cực.

Tâm lý chung khi gặp phải những vấn đề khó khăn, tình huống phức tạp thì một số cơ quan quản lý có xu hướng cấm đoán như là sự lựa chọn an toàn. Song khi cấm đoán có thể dẫn đến tình trạng “đi đêm”, dễ làm nảy sinh tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Ngược lại, yêu cầu “bỏ tư duy không quản được thì cấm” mang tính cởi trói trong tư duy, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy sự năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi các rào cản bất hợp lý và không cần thiết được gỡ bỏ, doanh nghiệp và người dân sẽ có điều kiện tốt hơn, sẽ mạnh dạn tìm kiếm, tận dụng các cơ hội, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Tư duy đổi mới này trước hết phải xuất phát từ đội ngũ làm luật. Xây dựng hệ thống pháp luật với hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn; đồng thời triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh cùng với việc dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm sẽ giúp giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là cách tiếp cận đầy ý nghĩa, giúp xây dựng hệ thống pháp lý minh bạch, góp phần hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng và bền vững.

“Bỏ tư duy không quản được thì cấm” cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vì, để thực hiện tốt yêu cầu đó, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải đổi mới, sáng tạo trong cách thức quản lý, điều hành. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công chức - có vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa yêu cầu từ bỏ tư duy cấm đoán - phải thay đổi tư duy, từ bỏ cách làm việc cũ kỹ, có khi lạc hậu và sẵn sàng tiếp cận phương thức quản lý mới, sáng tạo hơn.

Những vấn đề mang tính quy luật, là xu hướng tất yếu khách quan và phù hợp với thực tiễn đời sống cần phải được khuyến khích, cổ vũ. Nếu dùng mệnh lệnh hành chính cấm cản sẽ làm thị trường méo mó, gây cản trở xã hội phát triển. Hệ lụy dẫn đến là người dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước đều bị thiệt. Cũng vì thế, việc Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhắc lại yêu cầu “từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” (trước đó đồng chí có đề cập khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vào ngày 21-10) đã thể hiện sự dứt khoát và mạnh mẽ về tinh thần lãnh đạo đổi mới, đột phá đối với sự phát triển của đất nước. Điều đó còn tạo thêm niềm tin về những nỗ lực hiện thực hóa khát vọng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ trên con đường hội nhập và vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Theo KIỀU PHONG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn

Những ngày này học sinh đến trường thật vui. Các em được tham gia hoạt động chào đón Tết Nguyên đán nhưng thông qua sinh hoạt bên ngoài lớp học lại biết được nhiều điều từ cuộc sống, những thứ mà hằng ngày có khi không chạm tới được.

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?