Bổ sung quy định pháp lý để kiểm soát tốt hoạt động thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thương mại điện tử hiện đã trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Do đó cùng với sự chủ động nắm bắt thời cơ, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần thúc đẩy loại hình kinh doanh mới này thì cũng cần kịp thời xử lý những bất cập, tiêu cực mới nảy sinh đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng.

12.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: mof.gov.vn)

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25%, thuộc nhóm quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, và nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 và dự báo quý IV/2024 mới được Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử) công bố cho thấy 9 tháng năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm 2023.

Metric dự báo trong quý IV/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop) sẽ đạt mức 80.600 tỷ đồng; tăng trưởng tháng 10,11,12 lần lượt là 10%, 20%, 35% so với cùng kỳ năm 2023. Các số liệu trên cho thấy, hoạt động thương mại điện tử thực sự đã trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam và là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số. Tuy nhiên trước sự tăng trưởng khá nóng hiện nay, lĩnh vực này đang bộc lộ một số vấn đề bất cập, làm dấy lên nhiều lo ngại về những hậu quả khó lường nếu không được xem xét, xử lý kịp thời.

Mới đây, sự xuất hiện và phủ sóng ồ ạt của nền tảng thương mại trực tuyến Temu tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng và đã thành chủ đề được bàn thảo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh chính sách giá rẻ nhằm thu hút đông người mua, Temu còn tung ra chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) tạo nên làn sóng

kiếm tiền mới trong cộng đồng mạng, bất chấp những khuyến cáo từ các chuyên gia về những rủi ro mà người tham gia có thể phải đối mặt. Điều khiến nhiều người băn khoăn đó là dù chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam song Temu đã rầm rộ triển khai việc quảng bá, tiếp thị và bán hàng. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch/năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương nhằm bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Tuy nhiên, thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, ngày 24/10 vừa qua Temu mới chính thức nộp đơn xin cấp phép đến cơ quan chức năng. Điều này phần nào cho thấy dù không phủ nhận thương mại điện tử là xu thế của thời đại, song nếu chúng ta thiếu kiểm tra, thiếu quy định quản lý chặt chẽ thì nguy cơ gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế là điều khó tránh khỏi.

Tình trạng hàng hóa giá rẻ từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tràn vào Việt Nam trong thời gian qua, có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, bóp nghẹt nền sản xuất trong nước, cản trở sự phát triển của những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, việc một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc không kiểm soát được việc thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định, nguy cơ gian lận thương mại là rất cao; đồng thời, từ đây cũng tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động thương mại điện tử giữa đơn vị có đăng ký hoạt động với đơn vị không đăng ký.

Theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, hàng hóa có giá trị dưới một triệu đồng sẽ không bị thu thuế giá trị gia tăng. Trong khi trên thực tế, các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giá trị dưới một triệu đồng là rất lớn, do đó cần có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đó mới chỉ là một số bất cập, nổi cộm thời gian qua nhưng đã phần nào cho thấy hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử dù chỉ mới nở rộ và tăng trưởng nóng vài năm trở lại đây nhưng đã phát sinh nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, xử lý kịp thời.

Không chỉ Temu mà một số nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới dù đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công thương như Shein, 1688... cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không khỏi bức xúc trước nguy cơ về sự cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng với đó là tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng đơn vị bán hàng mải chạy theo doanh số, lợi nhuận mà cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đáng nói là đa số người dân có thu nhập trung bình thấp thường tìm đến các sàn thương mại điện tử giá rẻ như một cách để tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt, song trong nhiều trường hợp sản phẩm mà họ nhận lại có chất lượng tệ hại, không thể sử dụng khiến những người vốn đã gặp khó khăn về tài chính nay lại khó khăn hơn, thậm chí bị “tiền mất, tật mang”.

Chưa kể, tình trạng lợi dụng thương mại điện tử, nhất là những nền tảng hoạt động không phép để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng một cách tinh vi, khó lường hiện cũng đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng hiện chưa hiệu quả, thậm chí có người tiêu dùng còn bị đơn vị cung cấp hàng kém chất lượng quấy rối, làm phiền. Nếu không có những chế tài phù hợp, tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, xử lý nghiêm các sai phạm thì nguy cơ các sàn thương mại điện tử trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả là rất lớn.

Trước những diễn biến phức tạp trong hoạt động thương mại điện tử vừa qua, mới đây đại diện Bộ Công thương cho biết đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới như tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành luật chuyên ngành về thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp đối với các trường hợp có sai phạm; nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam...

Mục tiêu nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới, sửa đổi mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích thương mại điện tử Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.

Song song đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường các biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trước đó, năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; đồng thời rà soát quy trình kiểm duyệt đối với một số sản phẩm bị cảnh báo theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Kết quả, năm 2023, các sàn thương mại điện tử đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, trong hoạt động rà soát các sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ một số sản phẩm vi phạm.

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số còn yêu cầu nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ website bán hàng phối hợp, rà soát các sản phẩm đông y không rõ nguồn gốc và mỹ phẩm chưa có phiếu công bố mỹ phẩm. Kết quả, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm.

Những giải pháp mạnh tay và kịp thời này được doanh nghiệp, người tiêu dùng đánh giá cao. Thế nhưng, các đối tượng chống phá, thù địch lập tức xuyên tạc Việt Nam không tạo điều kiện cho kinh doanh thương mại điện tử phát triển phù hợp với xu thế chung, để từ đó quy kết lố bịch rằng “thêm một bằng chứng Việt Nam không có nền kinh tế thị trường”!

Cần thấy rằng tăng cường quản lý các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh cũng là điều mà nhiều quốc gia đang thực hiện. Tại Malaysia, Ủy ban Truyền thông và đa phương tiện nước này có kế hoạch sẽ cấp phép cho các nền tảng có hơn 25% dân số sử dụng, tương đương 8 triệu người, dự kiến được thực hiện vào cuối năm nay.

Các quy định mới của Malaysia yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải đăng ký cấp phép và gia hạn giấy phép hằng năm, nếu không, các nền tảng sẽ bị xem là bất hợp pháp và bị phạt lên tới 500.000 ringgit (107.000 USD). Đồng thời, Chính phủ Malaysia sẽ ban hành cơ chế “kill switch” nhằm xóa nội dung được coi là gây tổn hại “nghiêm trọng”.

Còn tại Singapore, tháng 6/2024, quốc gia này đã yêu cầu các trang mạng xã hội và thương mại điện tử phải “tích cực phát hiện và chống lại các hoạt động lừa đảo, nội dung độc hại”. Theo quy định mới, nhà bán hàng phải được các nền tảng xác minh theo các quy định của nhà chức trách nếu muốn quảng cáo hoặc đăng bài về hàng hóa và dịch vụ họ cung cấp.

Tôn trọng quyền lựa chọn của người tiêu dùng và khuyến khích những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài kinh doanh nghiêm túc, thiện chí, tuân thủ quy định pháp luật là mục tiêu của Việt Nam nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của các hoạt động thương mại điện tử.

Do đó, bên cạnh hoàn thiện các chính sách pháp luật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có chính sách phù hợp để bảo vệ sản xuất nội địa, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Người tiêu dùng cũng cần phát huy vai trò chủ động, tự bảo vệ mình, theo đó, mỗi cá nhân cần sáng suốt lựa chọn giao dịch trên các nền tảng uy tín đã được cấp phép, không ham giá rẻ để trúng “bẫy” hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phản ánh tới cơ quan chức năng những giao dịch hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo Thành Sơn (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi thông tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố trên 1.000 bị can liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), dư luận đã giật mình.

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.