Bộ GTVT chỉ đạo nóng về đảm bảo an toàn bay trong dịp cao điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân, phân loại sự cố theo quy định.
Máy bay của hãng hàng không đang lăn ra đường cất, hạ cánh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Máy bay của hãng hàng không đang lăn ra đường cất, hạ cánh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công điện gửi Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không Việt Nam về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn hàng không trong dịp cao điểm.

Theo báo cáo công tác đảm bảo an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 41 sự cố, trong đó có 1 vụ tai nạn hàng không, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 9 sự cố).

Đặc biệt ngày 24/6 vừa qua đã xảy ra sự cố không lưu nghiêm trọng về vi phạm khoảng cách tối thiểu trong quá trình cất cánh tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến lốp tàu bay bị vật ngoại lai cắt, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác liên tục của máy bay.

Xác định đây là các sự cố hàng không nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến an toàn hoạt động bay, nhằm nâng cao chỉ số an toàn và tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra trong hoạt động hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân, phân loại sự cố theo quy định; trên cơ sở kết luận điều tra, đưa ra các khuyến cáo an toàn cho các đơn vị có liên quan; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật để xảy ra sự cố nêu trên.

Cục Hàng không tổ chức chỉ đạo, tiến hành tổng hợp, phân loại, phân tích nhằm xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ mất an toàn để từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến vận tải hàng không dân dụng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay, nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình khai thác bảo đảm tuyệt đối an toàn hoạt động bay.

Cơ quan này tăng cường công tác giám sát đường lăn, sân đỗ để phát hiện và xử lý kịp thời các vật ngoại lai có nguy cơ uy hiếp an toàn bay cụ thể chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khai thác cảng hàng không, sân bay nghiên cứu, cải tiến các giải pháp đã thực hiện nhằm ngăn chặn hữu hiệu, kịp thời các vật ngoại lai (FOD) xuất hiện tại khu bay; tăng cường công tác kiểm tra, vệ sinh khu bay, vị trí đỗ máy bay, đường lăn, sân đỗ, đường cất hạ cánh... để bảo đảm an toàn khai thác máy bay.

Cục Hàng không rà soát việc triển khai các quy định, quy trình về an toàn, an ninh và công tác quản lý cảng hàng không, sân bay về giám sát nhân viên hàng không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn, an ninh hàng không; đề xuất giải pháp khắc phục các vướng mắc, bất cập (nếu có) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về bảo đảm an ninh, an toàn tại các cảng hàng không, sân bay.

VATM nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình, quy định chuyên môn tiêu chuẩn khai thác; tuân thủ chặt chẽ tài liệu hướng dẫn khai thác nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Ngoài ra, đơn vị này được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tại các cơ sở bảo đảm hoạt động bay từ cấp lãnh đạo đến cán bộ tại các cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý mọi yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động bay; thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định về công tác báo cáo an toàn, khi có tình huống đột xuất hoặc các sự cố, vụ việc xảy ra phải kịp thời báo cáo theo đúng quy định.

“VATM nghiêm túc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố hoạt động bay theo quy định; khắc phục các tồn tại nhằm bảo đảm điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả; tiến hành bình giảng sự cố trên đối với kiểm soát viên không lưu để rút kinh nghiệm, không để xảy ra các vụ việc, sự cố tương tự và báo cáo kết quả về Bộ Giao thông Vận tải (qua Vụ Vận tải) trước ngày 15/7,” Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.

ACV cần làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không; chế tài xử lý đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không vi phạm các quy định về an ninh, an toàn hàng không.

Đơn vị này cũng cần tăng cường công tác kiểm tra đối với đường hạ cất cánh, đường lăn để phát hiện các hư hỏng, kịp thời bảo dưỡng trám, vá mặt đường (nếu có) đảm bảo duy trì tuổi thọ công trình, đảm bảo an toàn khai thác, an ninh, an toàn hàng không; an toàn cho người và tài sản, an toàn công trình, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

Các cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không Việt Nam nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hàng không, sân bay và trên các chuyến bay nhằm ngăn ngừa tai nạn, sự cố uy hiếp an toàn hàng không; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, khi xảy ra sự cố phải tiến hành điều tra làm rõ, bình giảng rút kinh nghiệm.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất