Bình yên bên thác Bà-Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thác Phú Cường (huyện Chư Sê) là cái tên được nhắc đầu tiên trong bản đồ du lịch mỗi khi người ta muốn có một chuyến pic-nic ngắm thác, tắm suối. Nhưng ít ai biết chỉ cách ngọn thác hùng vĩ này chừng 1,5 km có một thác nước khá thơ mộng, mang vẻ đẹp nguyên sinh: thác Bà, hay còn gọi là thác Kueng O.

Sở dĩ thác nước có 2 tên gọi vì nằm trong ngôi làng Kueng O của xã Ia Pal. Người ta lấy luôn tên làng để gọi tên thác cho dễ phân biệt. Rất nhiều thác nước nằm trong địa giới Gia Lai có chung đặc điểm này. Nếu xuất phát từ hướng TP. Pleiku theo quốc lộ 14, bạn sẽ đến thác Kueng O trước rồi mới tới thác Phú Cường. 2 thác nước cách nhau không xa. Dòng chảy của thác Bà sẽ đổ về xuôi hợp thành dòng chảy ầm ào, dữ dội của thác Phú Cường trước khi cùng đổ về sông mẹ Ayun. 

 

Chưa đưa vào khai thác du lịch nên thác Bà còn nguyên vẻ hoang sơ. Ảnh: Thúy Loan
Chưa đưa vào khai thác du lịch nên thác Bà còn nguyên vẻ hoang sơ. Ảnh: Thúy Loan

Thác Bà có độ cao chỉ bằng một nửa “dòng thác anh em” Phú Cường, tức khoảng 20 mét. Nếu dòng chảy của thác Phú Cường dữ dội, tung bọt trắng xóa do đổ xuống từ độ cao 45 mét thì dòng chảy của thác Bà êm đềm, hiền hòa hơn. Thác Bà phân thành một dải rộng, có 3 dòng chảy lớn nhỏ nằm liền kề nhau như một sự sắp đặt hữu ý của tự nhiên. Những mỏm đá tự nhiên nhô ra đã cản bớt lực chảy của dòng nước, nên càng về đích dòng thác càng trở nên hiền hòa, tạo cảm giác an toàn ngay cả khi bạn là người nhút nhát.

Vào giữa mùa khô nóng rát nhưng không khí ở đây mát rượi bởi hơi nước và màu xanh cây cối. Không khó khăn để bạn đi vào phía bên trong dòng thác. Từ đây, nhìn qua dòng nước đổ trong veo như tấm gương nước sống động, bạn sẽ nhìn thấy cảnh vật có màu sắc khác khi đứng ở vị trí này. Mọi vật như được phủ một màn sương mỏng được tạo ra bởi hơi nước. Trong lòng thác quanh năm ẩm ướt đã sinh ra một lớp rêu xanh thẫm phủ dày hai bên vách đá. Chạm khẽ tay vào thành đá, bạn sẽ cảm thấy sự mướt mịn, mát lạnh của rêu phong. Vào mùa mưa, dung lượng nước lớn từ trên cao đổ về sẽ tạo nên sức mạnh cho dòng chảy của thác Bà, kèm theo phù sa nên dòng nước biến sang màu nâu đỏ và phân tán dòng rộng hơn nhiều so với mùa khô.

Ít ai biết rằng, trong bán kính 5 km từ trung tâm thị trấn Chư Sê, ngoài thác Phú Cường còn có 3 dòng thác khác còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ do chưa được đưa vào khai thác du lịch, thác Bà là một trong số đó. Tuy vậy, nơi đây từ lâu đã là chốn hẹn hò cho những đôi lứa người bản địa quanh đó hoặc một số ít bạn trẻ ưa khám phá, tìm về thiên nhiên hoang dã. Khung cảnh ở những thác nước này thích hợp cho những chuyến pic-nic nhẹ nhàng, hạ trại ngủ qua đêm. Cách trung tâm thị trấn không xa, đường đi không quá khó, chỉ đủ để kích thích bước chân bạn, những thác nước ở Chư Sê sẽ là địa điểm lý tưởng để “đổi gió” trong dịp cuối tuần nếu không có nhiều thời gian để đi xa.

Minh Châu-Thúy Loan

Có thể bạn quan tâm

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

“Đánh thức” du lịch Ia Pa

(GLO)- Về huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), nghe tên những địa danh gắn với bao truyền thuyết hư ảo như lạc vào miền sử thi. Trầm tích văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ là thế mạnh để “đánh thức” tiềm năng du lịch của vùng đất từng “bị bỏ quên” này.

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.