Bên dòng Sêrêpốk: 'Dị nhân' vớt xác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bỏ công việc nhà, dầm mưa dãi nắng, ngủ bờ bụi, huy động cả con tìm, vớt xác người trên dòng Sêrêpốk hung dữ mà không lấy tiền công... Đó là 'dị nhân bao đồng' Trần Ngọc Vinh.
 
Dòng thác thơ mộng mang tên Trinh Nữ này cũng đã chứng kiến nhiều vụ chết đuối. Ảnh: Quang Viên
Đến TT.Ea T’ling (H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) hỏi ông Vinh vớt xác, hầu như ai cũng biết. Người đàn ông quê Nam Định này vào lập nghiệp trên đất Tây nguyên từ năm 1987. Nhà ông nằm bên bờ sông Sêrêpốk, sát khu du lịch thác Trinh Nữ. Tên thác gắn liền với truyền thuyết về cô gái người Ê Đê xinh đẹp đã gieo mình xuống dòng sông hùng vĩ, đầy bí ẩn này để giữ trọn tình yêu. Dân địa phương kể, không hiểu sao năm nào cũng có ít nhất một cô gái trẻ chết đuối tại thác Trinh Nữ hoặc khu vực lân cận.
Dị nhân bất đắc dĩ
Thường xuyên có người chết đuối gần nhà mình, ông Vinh lại quen nghề sông nước, thích làm phúc nên đã trở thành người tìm, vớt xác bất đắc dĩ. “Xác đầu tiên tôi vớt là một cô gái trẻ, đi chơi, tắm thác rồi bị nước cuốn trôi. Tôi đi đánh cá phát hiện ra. Sợ xác trôi đi nơi khác hoặc cuốn vào khe đá thì tội nghiệp quá nên bất đắc dĩ phải vớt lên bờ. Đó là năm 1997”, ông Vinh nhớ lại. Không ngờ cái xác “bất đắt dĩ” phải vớt chính là bước ngoặt định mệnh của người đàn ông tuổi gần 60 này.
Lúc đầu tôi bảo, ông bỏ công sức, tiền bạc làm chuyện bao đồng quá. Nhưng ổng nạt tôi mình làm phúc mà tính toán làm gì. Cuối cùng rồi tôi cũng đành chiều ổng

Bà Trần Thị Thân, vợ ông Trần Ngọc Vinh (H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông)

Lạ hơn, như có sự dẫn dắt vô hình, ông Vinh thường là người đầu tiên phát hiện người chết đuối hoặc hầu như ai có người thân chết đuối cũng gõ cửa nhà ông nhờ tìm. “Không biết có phải duyên nghiệp không nhưng bây giờ vớt, tìm xác người chết đuối trở thành nghiệp luôn rồi. Mà lạ lắm, phần lớn người chết đuối ở đây đều là những cô gái còn rất trẻ”. Ông Vinh trải lòng giữa tiếng gió rít từng hồi trong các khe đá của thác Trinh Nữ, cộng hưởng tiếng nước chảy róc rách... tạo thành âm thanh ma mị, nghe lạnh xương sống.
Ông Phùng Xuân Tuấn, Bí thư TT.Ea T’ling, cho biết: “Ông Vinh tìm xác rất giỏi, lại không lấy tiền. Bởi vậy, có ai chết đuối, người thân họ liền nhớ đến ông”. Gần 25 năm, người đàn ông hiền lành này đã tìm và vớt không dưới 30 người chết sông, chết suối. Đang làm rẫy hay bất cứ việc gì nhưng có người nhờ tìm xác, vớt xác là ông bỏ tất. Lúc đầu ông làm một mình. Sau này đụng nhiều “ca khó”, ông phải huy động cả hai người con trai tham gia. Phương tiện hỗ trợ “hành nghề” của ông Vinh cũng được nâng cấp. Ban đầu, các phương tiện còn thô sơ như lưới, rà và lặn không thiết bị. Nhưng sau nhiều lần tốn quá nhiều công sức mới tìm ra được xác ở những địa thế khó, nước sâu, dòng chảy mạnh... ông Vinh quyết định sắm thêm bình dưỡng khí và các phương tiện hỗ trợ khác. Đưa cho tôi xem bình dưỡng khí, pin chuyên dụng, mặt nạ lặn... ông Vinh tiết lộ: “Các món này mua toàn hàng Mỹ. Tốn mấy chục triệu nhưng nó hỗ trợ mình tìm xác rất nhanh”.
Tốn tiền, bỏ công việc nhà... để làm một công việc không những vất vả mà còn bị ám ảnh, song ông Vinh xem nhẹ vật chất, tiền bạc. Từ trước đến nay chỉ một lần ông nhận 500.000 đồng “bồi dưỡng vớt xác”. “Đòi hỏi tiền làm gì. Các âm linh, bề trên cho mình còn khỏe re như vậy là mừng rồi”, ông Vinh cười ha hả.
Bà Trần Thị Thân, vợ ông Vinh, góp chuyện: “Lúc đầu tôi bảo, ông bỏ công sức, tiền bạc làm chuyện bao đồng quá. Nhưng ổng nạt tôi mình làm phúc mà tính toán làm gì. Cuối cùng rồi tôi cũng đành chiều ổng”.
 
Khu vực sông gần thác Trinh Nữ thường gây nạn chết đuối. Ảnh: Quang Viên
Gian nan và ám ảnh
Trong hơn 30 thi thể chết đuối mà ông Vinh lặn tìm, không ít ca đối diện với gian nan, nguy hiểm. Chẳng hạn, một cô gái 21 tuổi đi du lịch thác Trinh Nữ bị trượt chân rơi xuống sông, nước cuốn vào đá ngầm rất sâu. Cha con ông phải bắc thang cắm xuống nước và lặn chui vô hốc đá. Mất gần 2 tiếng đồng hồ mới đưa được xác lên bờ.
Có những trường hợp mà “ê kíp” ông Vinh phải gian nan hơn. Đưa tôi ra hang đá nhỏ bên bờ sông Sêrêpốk, ông Vinh tiết lộ: “Đây là nơi cha con tôi từng ngả lưng qua đêm trong cái lạnh buốt xương và mưa gió mịt mùng để chờ khi nước hạ và lặng bớt mới tìm được xác”. Đó là trường hợp một sinh viên quê ở H.Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Sinh viên này đi tắm thác không may bị trượt chân rơi vào vùng nước xoáy chết đuối. Dùng ruột xe làm phao, đeo bình dưỡng khí lặn 2 ngày ròng vẫn chưa tìm được xác, ông lấy lưới giăng, ngăn xác trôi, rồi vào hang đá ngủ qua đêm. “Mùa mưa nước dâng cao, đập thủy điện ngay phía trên phải xả nên nước cuồn cuộn đổ về, không dễ tìm. Sau đó thân nhân người chết nhờ ngăn đập tạm thời nên mới lặn vô tìm thấy xác”, ông Vinh kể lại.
 
“Dị nhân” Trần Ngọc Vinh đang miêu tả dụng cụ rà xác người chết đuối. Ảnh: Quang Viên
Không chỉ vớt xác, tìm xác ở thác Trinh Nữ hoặc khu vực lân cận, cha con ông Vinh còn vượt hàng chục cây số sang khu khác để tìm xác. Đó là trường hợp người chết đuối ở tận Nam Ca, giáp Lâm Đồng. “Trời hôm đó mưa dầm dề, đường trơn kinh khủng. Cha con tôi băng rừng từ 5 giờ chiều mà 4 giờ sáng mới tới chỗ người chết. Đói, thân nhân người xấu số nấu mì tôm ăn cầm hơi xong rồi lặn tìm luôn”.
Ngay cả trong dịp tết, có người chết đuối, ông Vinh cũng sẵn sàng “ra tay” mà không lăn tăn chuyện xui rủi như quan niệm của nhiều người. “Mùng 4 tết vớt xác cũng có rồi”, ông thổ lộ.
Lần đầu tiên ông Vinh rơi nước mắt khi vớt xác một thanh niên từ Tuyên Quang vào làm công nhân lò gạch. Thèm mía, anh cùng bạn bơi qua sông để ăn rồi bị nước cuốn trôi mất tích. Sau khi nổi lên thì thi thể đã phân hủy nghiêm trọng. “Nhiều khi thấy quá đau lòng vì vớt lên những cháu đang còn tuổi học sinh. Trường hợp khác là hai cô sinh viên hay cậu bé mới 12 tuổi”, ông Vinh trầm ngâm.
Đối diện với những người chết lâu ngày mới tìm được làm cho ông Vinh ám ảnh. “Phải dùng trầu hoặc lá một số cây rừng nhai để khử bớt mùi tử khí. Nhiều lần đi vớt xác về bỏ cơm chứ nuốt sao vô”, ông Vinh tâm sự.
Tôi hỏi: “Thiên hạ nói những người chết sông chết suối thường linh lắm, chú có bao giờ nằm mơ thấy gì không?”, ông Vinh lắc đầu: “Tui chưa nằm mơ thấy ai bao giờ”. Song ông chia sẻ, cũng có người về báo mộng cho người thân vùng nước mình nằm hoặc có vài người chết không xác định được chìm ở đâu nhưng gia đình đi coi thầy “chỉ điểm” thì lặn xuống đó phát hiện ra. “Còn lại hầu hết nhờ thuộc dòng chảy, địa hình của sông Sêrêpốk nên tôi biết nạn nhân sẽ chìm, sẽ nổi ở đâu. Chưa có lần nào tôi thất bại”, ông Vinh nói.
(còn tiếp)
Quang Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.