Điệu Lăm Vông bên sông Sêrêpốk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngược dòng Sêrêpốk sang “làng đảo” Buôn Đôn buôn bán, các thương gia bộ tộc Lào yêu thích cảnh núi non sông nước hữu tình cùng tính cách mộc mạc chân thành của cư dân bản địa nên quyết định dừng chân lập nghiệp. Qua bao thế hệ, người Lào chung sống thuận hòa với các dân tộc anh em M’nông, Êđê… tạo nên cuộc sống yên vui như bản giao hưởng văn hóa đa sắc màu bên dòng sông chảy ngược.
 
Nghi lễ tắm Phật được thực hiện rất tôn nghiêm.
Giữ hồn dân tộc
Trung tuần tháng 4, chúng tôi về xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) hòa chung niềm vui đón Tết cổ truyền Bun Pi May của các bộ tộc Lào.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân cùng du khách đổ về tận mắt chứng kiến nghi lễ đón tết độc đáo của cư dân có văn hóa nguồn cội từ xứ hoa Chăm Pa. Trong bộ Sinh (trang phục truyền thống của nữ Lào), một phụ nữ kính cẩn bê chiếc thuyền hoa được kết từ bè chuối bên trong đựng ít xôi, hoa, quả, có cắm cờ giấy và một nén nhang mang ra triền sông làm lễ cầu nguyện rồi thả xuống nước.
Chị Sáo Nang Nga (người Việt gốc Lào, ở xã Krông Na) cho biết, tất cả những lễ vật này do chị tự tay chuẩn bị với lòng thành kính hướng về cội nguồn. Chiếc thuyền hoa trôi theo dòng nước xua đi những điều không tốt trong năm cũ và mang theo ước vọng một năm mới bình an, ấm no.
Ông nội chị Nga là người Lào sang Buôn Đôn buôn bán rồi lấy vợ Êđê định cư luôn. Sang đời bố mẹ rồi đến đời chị, “chất” Lào ít nhiều phai đi song các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông vẫn được gìn giữ. Minh chứng là năm nào, con cháu người Việt gốc Lào cũng  chuẩn bị đầy đủ lễ vật để tổ chức đón Tết cổ truyền trên quê hương mới.
Lấy sợi chỉ đỏ để trong mâm Khoẳn (mâm lễ cúng gồm có rượu, hoa, trứng, xôi…) đã được các sư thầy đọc kinh làm phép, ông Bun My Lào (buôn Ky A, xã Krông Na) nhẹ nhàng buộc vào cổ tay khách quý rồi chắp tay chúc nhau may mắn. Ông Bun My Lào vui vẻ giải thích: Tết Bun Pi May hay còn gọi là “Bun” nghĩa là làm phước. Người Lào thường cầu phúc, cầu may mắn cho người khác hơn là cho chính họ. Người khác vui, họ cũng vui theo. Nên khi nhận được sợi chỉ (vật tượng trưng cho may mắn), người Lào lại dành buộc cho người mình thương yêu, trân quý. Để tín vật này có hiệu nghiệm, trong vòng 3 ngày, người được buộc sợi chỉ không được tháo rời tay vì bất kỳ lý do nào.
Ông Bun My Lào tâm sự: Dù sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, ông vẫn nhớ về quê hương, cội rễ của mình. Từ nhỏ đến giờ, ông đã 3 lần hành hương về Chăm Pa Sắk (một tỉnh của nước Lào- quê nội của ông). Lần về gần nhất là năm 2012, ông có gần một tháng “ăn cơm, uống nước” quê nhà để cảm nhận, hiểu thêm văn hóa dân tộc. Ông luôn răn dạy con cháu mình gìn giữ truyền thống cha ông từ tiếng nói, cách sinh hoạt đến món ăn, đặc biệt là trang phục truyền thống.
Chỉ vào bộ Salong (trang phục của nam giới Lào) màu nâu bóng loáng, ông Bun My Lào bảo “Màu da, ánh mắt của tôi có thể không giống người Lào cho lắm vì đã “lai” với người Êđê, M’nông… song tôi mặc bộ đồ này chắc hẳn bạn sẽ biết tôi là ai đúng không! Ngày tết, ngày lễ Phật, đi đám cưới… tôi đều mang bộ đồ này và cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu”.
Té nước, “say” điệu Lăm Vông
Tắm Phật, thả hoa đăng, buộc chỉ tay, đắp tháp cát… xong, người Lào cùng đông đảo du khách tiếp tục thực hiện nghi lễ té nước, rồi nhún nhảy theo điệu Lăm Vông tình tứ, vui nhộn.
Bê thau nước nực mùi hương hoa thơm ngát, bà Sáo Tha Luôn dùng tay tát nước vào những người xung quanh. Trước khi té nước, bà chắp tay trao lời chúc bình an, may mắn. Người được té nước không hề né tránh, ngược lại họ còn nở nụ cười tươi, chắp tay cúi chào thể hiện sự biết ơn. Bởi người Lào tin rằng, nước sẽ gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới dồi dào sức khỏe. Người được tạt ướt nhiều thì sẽ nhận được phước lộc nhiều.
Thông thường, người trẻ tuổi té nước người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè cũng té nước vào nhau. Không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất… để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Vừa té nước, người dân cùng du khách thả hồn vào điệu Lăm Vông bằng tất cả sự hồn nhiên, sôi nổi. Người Lào rất thích vui, mỗi khi có lễ hội họ đều nhiệt tình tham gia và say sưa ca hát, nhảy múa. Với họ, Lăm Vông như cơm ăn, nước uống không thể thiếu trong cuộc sống. Theo tiếng Lào “Lăm” là hát, “Vông” là tròn. Đội múa Lăm Vông đi theo vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Người múa vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Chân cứ ba bước tiến, một bước lùi nhịp nhàng, uyển chuyển. Lời ca trong Lăm Vông được phổ từ những bài hát dân gian như Khắp Thùng, Tăng Vi, Lămxaravan…
Hướng dẫn khách xòe tay, nhún theo điệu nhạc, chị H Na Knul cho hay: Điệu Lăm Vông nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, dễ nhảy. Người tập múa chỉ cần một chút khéo léo, uốn dẻo của đôi bàn tay thon thả là có thể thu hút biết bao ánh nhìn. Từng đôi nhảy xoay tròn, những bước chân nhịp nhàng, những khuôn mặt hào hứng, say mê không biết mệt. Những vị khách mới đầu đứng ngoài vỗ tay theo nhịp giờ đã chân bước tay uốn nhập cuộc hân hoan.
Thấy chúng tôi đứng ngoài, một bạn nữ Lào bước đến mời “Nhảy đi, dễ lắm. Bạn cứ  làm theo mình. Xòe tay cuộn lại, chân di chuyển là được”. Cứ thế điệu Lăm Vông kéo mọi người lại gần với nhau. Mọi khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý, dân tộc.. bị xóa nhòa chỉ còn lại tình người ấm áp, chân thành. “Bữa tiệc” Lăm Vông tiếp nối, kéo dài suốt 3 ngày đêm. Mỗi khi mệt, họ dừng lại cùng nâng chén rượu thơm, nhấm nháp món Lạp (món gỏi truyền thống của người Lào).
Ông Y Lươm Knul, phó Chủ tịch UBND xã Krông Na (Buôn Đôn) cho biết: Tết Bun Pi May của người Lào diễn ra từ ngày 13 đến 15/4 hằng năm, bao gồm nhiều nghi thức như tắm Phật, buộc chỉ tay, té nước cầu may… Trước đây, đời sống người dân còn khó khăn nên Tết cổ truyền Bun Pi May tổ chức khá đơn giản, chủ yếu trong cộng đồng người Lào ở Buôn Đôn. Vài năm trở lại đây, chính quyền huyện phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội hữu nghị Việt Nam-Lào tổ chức cho người dân một cái tết trang nghiêm, đầy đủ thu hút nhiều dân tộc anh em cùng du khách phương xa đến chung vui. 

Huyện Buôn Đôn có hơn 220 nhân khẩu là người Việt gốc Lào, tập trung chủ yếu ở xã Krông Na. “Chính quyền huyện tổ chức Tết Bun Pi May thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, góp phần vun đắp thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam- Lào” - Ông Y Lươm Knul nói.

 
Người dân cùng du khách té nước và nhảy điệu Lăm Vông.
H.T (TP)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.