“Sóng” bất động sản có thể xuất hiện từ cuối năm 2024 và rõ ràng hơn trong năm 2025 để phản ánh sự khởi sắc của ngành.
Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản đang “chuyển mình” rõ rệt sau một loạt chính sách hỗ trợ được tung ra, nổi bật là việc cắt giảm lãi suất ngân hàng..., đã giúp niềm tin của cả bên bán và bên mua được củng cố. Song song với đó, thị trường cũng ghi nhận sự “tỉnh giấc” của nhiều dự án cũ sau thời gian dài “ngủ đông”, cũng như động thái rốt ráo “bung hàng” của nhiều chủ đầu tư.
Thị trường bất động sản được dự đoán sớm đón sóng vào cuối năm. |
Theo bà Miền, đến thời hiện tại, có thể khẳng định, thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thị trường đang ghi nhận sự gia tăng cả về nguồn cung sản phẩm lẫn nhu cầu bất động sản.
Việc thị trường ấm dần lên với biểu hiện rõ nhất là khi nguồn cung mới gia tăng đáng kể, tỷ lệ giao dịch nhờ đó cũng ổn định hơn. Điều này tạo điều kiện cho các nhà môi giới, nhà giao dịch, chủ đầu tư khởi động sớm các chiến dịch kinh doanh để có thể tiếp cận lượng lớn các khách hàng tiềm năng của mình.
Theo OneHousing, nguồn cung thị trường Hà Nội năm 2024 dự kiến đạt 22.000 căn, cao hơn thời kỳ 2020-2023 và bằng khoảng 69% năm 2019 - thời kỳ trước Covid. Trong đó, phân khúc cao cấp (khoảng giá từ 50 - 80 triệu đồng/m2, chưa bao gồm 10% thuế VAT và 2% phí bảo trì) sẽ tiếp tục gia tăng thị phần và chiếm đa số - khoảng 70% trong 6 tháng cuối năm 2024 và chiếm khoảng 68% trong năm 2025.
Đặc biệt, năm 2025, thị trường sẽ xuất hiện thêm nhiều dự án phân khúc hạng sang (từ 80 - 230 triệu đồng/m2) tại khu Tây và khu Bắc, trong khi phân khúc trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) dự báo chỉ chiếm khoảng 5% nguồn cung toàn thị trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhìn nhận, việc nhiều chủ đầu tư khởi động lại các dự án cũ cũng như mở bán dự án mới nhằm nhanh chóng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là một tín hiệu vui. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đã nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của người mua bất động sản.
Doanh nghiệp hiểu được rằng, thời gian này họ “bung hàng” với mức giá phù hợp cộng với lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp thì sẽ nhanh chóng bán hết được giỏ hàng vốn bị coi là “tồn kho” của mình.
“Lúc này, doanh nghiệp khởi động dự án và nhanh chóng bán sản phẩm mới sẽ có lợi thế bởi ít bị cạnh tranh về nguồn cung, giá cả và khách hàng. Đây cũng là thời điểm hợp lý để nhiều doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, thoát khỏi cảnh bế tắc dòng vốn, còn người mua có cơ hội tiếp cận nhà ở với mức giá hợp lý hơn”, ông Điệp cho hay.
Thị trường bất động sản vẫn củng cố nền móng, chưa thể bứt phá
Người mua bất động sản đang thăm dò thị trường?
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu, điều quan trọng giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi, ngoài các yếu tố trên, thì cần chú trọng việc khôi phục niềm tin của người mua. Do đó, nguồn cung mới đưa ra thị trường phải là các sản phẩm có giá thành hợp lý, pháp lý chuẩn chỉnh, triển khai đúng tiến độ…
Quyết tâm vực dậy thị trường bất động sản của Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả và đến thời điểm này đã có “độ ngấm” nhất định. Tuy vậy, vẫn cần lưu ý rằng, thị trường mới chỉ hồi phục được khoảng 30%. Nguyên nhân chính của sự phục hồi chậm này là do nguồn cung sản phẩm còn rất thiếu hụt, nhất là các sản phẩm vừa túi tiền.
Do đó, các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/8 tới đây sẽ tháo gỡ được những điểm đang vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay và khi đó, nguồn cung nhà ở sẽ được cải thiện rõ nét, đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng mới là thời điểm “sáng sủa” của thị trường.