Bất cập trong quy hoạch cây xanh đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo thống kê của Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai, toàn TP. Pleiku hiện có 12.184 cây xanh được trồng trên 105/207 tuyến đường, đạt 50,72%. Trong số này, cây bóng mát chiếm tỷ lệ rất nhỏ, gồm nhiều chủng loại khác nhau. Mật độ che phủ cây xanh đường phố còn thấp, cây phát triển chưa đồng đều cũng như chưa đạt yêu cầu cảnh quan đô thị.

Qua khảo sát, phân loại cho thấy, cây xanh cao trên 12 m (cây loại 3) là 182 cây, chiếm 1,49%, bao gồm: thông 3 lá, thông 2 lá, long não, dầu rái, ngân hoa, vông, sao đen, da, sung, nhạc ngựa, muồng đen, hoa sữa, lim xẹt; cây xanh cao 6-12 m (cây loại 2) là 3.065 cây, chiếm 25,16%, bao gồm: thông, hoa sữa, ngọc lan, bàng, nhãn, muồng, xà cừ, hoàng yến, sao đen, nhạc ngựa và một số loại cây ăn quả khác; cây xanh cao dưới 6 m (cây loại 1) là 8.937 cây, chiếm 73,35%. Một điểm đáng lưu ý là chủng loại của 8.188 cây được trồng trước đây chủ yếu là bàng, thông, hoa sữa, bằng lăng, viết, sao đen, móng bò, sấu, xà cừ, sao đen và một lượng nhỏ cây ăn quả do người dân trồng; 829 cây trồng mới theo quy hoạch từ năm 2014 đến 2016 chủ yếu thuộc chủng loại sao đen, long não, dầu rái, thông.

 

Công nhân chăm sóc cây cảnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Công nhân chăm sóc cây cảnh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy

“Chúng ta chưa có đề án quy hoạch trồng cây xanh đường phố, điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, trồng, chăm sóc cây xanh”-ông Nguyễn Trương Cập-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai phát biểu tại diễn đàn về quy hoạch, trồng và quản lý cây xanh đô thị do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức mới đây. Không có quy hoạch chi tiết nên việc trồng cây xanh đường phố thời gian qua gặp nhiều vướng mắc khi chỉ giới xây dựng thay đổi qua nhiều thời kỳ. Đơn cử như việc thành phố đặt tên đường, mở rộng đường nhưng việc thu hồi đất, giải tỏa công trình, vật kiến trúc trên đất thì chưa thực hiện.

Do vậy, khi Công ty trồng cây xanh theo quy hoạch thì không nhận được sự đồng thuận của người dân. Mặt khác, kết cấu hệ thống đường giao thông chưa đồng bộ, công trình hạ tầng kỹ thuật trước đây như: hệ thống mương, cống thoát nước, ống cấp nước, đường điện... so với quy hoạch hiện nay bị vướng nhưng không di dời được để trồng cây. Sự tác động bởi các công trình xây dựng lân cận trên mặt đất, công trình ngầm cộng với tình trạng một số cá nhân thiếu ý thức đã tự ý chặt phá, dùng hóa chất độc hại làm cho cây chết, làm mái che phía trên hàng cây, neo buộc biển quảng cáo đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của cây, làm mất mỹ quan đô thị...

Vì vậy, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, đề xuất cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch chi tiết cây xanh đô thị. Không thể phủ nhận cây xanh là nhân tố tích cực trong điều hòa vi khí hậu, cải tạo môi trường; đồng thời, phối hợp rất tốt với các công trình kiến trúc, giao thông, là mảng xanh che chắn khói bụi, tiếng ồn. Do đó, trong quy hoạch chung của thành phố nên có quy hoạch về mảng xanh, dải xanh đô thị. Đối với quy hoạch chi tiết đường phố, giao thông thì cần dành diện tích đất đủ để trồng, phát triển cây xanh. Bên cạnh đó, trong công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị cần coi hạng mục cải tạo, chỉnh trang cây xanh là một hạng mục chính để  quan tâm đầy đủ. Trên thực tế, hiện nay một số dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã không dành đất cho vỉa hè thì lấy đâu ra diện tích trồng cây. Theo quan điểm của ông Hạnh, nên biết cách hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư dự án và cộng đồng dân cư sinh sống.

Tính bền vững của cây xanh đường phố cũng là một vấn đề được đặt ra hiện nay bởi nó liên quan đến việc lựa chọn loại cây trồng phù hợp cho thành phố. Dựa trên quy chuẩn cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư số 20/2005/TT-BXD, đối với các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5 m thì được trồng các loại cây đại mộc, khi trưởng thành có độ cao trên 15 m, khoảng cách trồng 12 m-15 m, khoảng cách tối thiểu đối với lề đường là 1 m. Đối với các tuyến đường có vỉa hè rộng trung bình 3-5 m thì trồng các loại cây trung mộc, khi trưởng thành có độ cao 8-12 m, khoảng cách trồng 8-12 m, khoảng cách tối thiểu đối với lề đường là 0,8 m. Đối với các tuyến đường hẹp có vỉa hè nhỏ hơn 3 m, chỉ được trồng các loại cây tiểu mộc, khi trưởng thành có độ cao tối đa dưới 10 m, khoảng cách trồng 4-8 m, khoảng cách tối thiểu đối với lề đường là 0,6 m. Đối với các tuyến đường có lưới điện cao thế chạy dọc trên vỉa hè có diện tích hẹp, có công trình ngầm chỉ được trồng các loại cây cao không quá 4 m hoặc trồng hoa, trồng kiểng, trồng cây dây leo đẹp. Một số loại cây nằm trong danh mục khuyến khích trồng như: lim xẹt, muồng tím, giáng hương, lộc vừng, lộc vừng lá lớn, bàng Đài Loan, ngọc lan trắng, hoàng hậu, muồng hoàng yến, Osaka đỏ, phi lao, bằng lăng tím, hồng lộc, tử vi, chuông vàng, mù u, muồng đen, long não, dầu rái, lát hoa....

Liên quan đến việc lựa chọn cây trồng mang bản sắc địa phương, bà Dương Thị Thu Phương-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku cho rằng, nên có tầm nhìn về việc này. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời đảm bảo đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường đô thị. Mặt khác, hạn chế làm hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng trên mặt đất, dưới mặt đất, trên không trung. Để làm điều này cần có sự đầu tư bài bản từ khâu lựa chọn, ươm giống, trồng và chăm sóc chứ không nên trồng cây di thực. Nên lựa chọn cây gỗ đại thụ, vững chắc. Một số loại cây khuyến khích nên trồng như: ngân hoa, sao xanh, sao đen, giáng hương...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.

Phường Diên Hồng đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Diên Hồng đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Với nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã giúp người dân tiếp cận những thông tin hữu ích, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo nói riêng, các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung.