Bất cập trong bảo tồn kiến trúc Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài 2 công trình được xếp hạng Di tích kiến trúc cấp quốc gia là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Ga Đà Lạt, hiện TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng còn hàng trăm căn biệt thự kiến trúc châu Âu độc đáo, góp phần làm nên nét riêng của thành phố cao nguyên này. Tuy nhiên, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc này còn nhiều bất cập.

Ga Đà Lạt thay đổi cách làm phù hợp, phát huy được giá trị di tích kiến trúc, thu hút đông đảo khách du lịch
Ga Đà Lạt thay đổi cách làm phù hợp, phát huy được giá trị di tích kiến trúc, thu hút đông đảo khách du lịch


Nhiều công trình xuống cấp

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt được người Pháp xây dựng năm 1927 dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt học tập. Từ năm 1976, trường được sử dụng làm cơ sở đào tạo giáo viên trong tỉnh. Ở giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn, trường đã thay đổi công năng một số phòng để sắp xếp chỗ ở cho cán bộ, giáo viên thu hút từ các nơi về trường giảng dạy. Lúc cao điểm, có khoảng 30 gia đình sinh sống tại các căn hộ trong khuôn viên trường. Theo một cán bộ trong trường, hiện còn khoảng 13 gia đình đang sinh sống, trong đó có 7 gia đình là giáo viên, cán bộ của trường, số còn lại đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác nhưng không bàn giao lại nhà.

Việc sử dụng sai công năng của các tòa nhà trong thời gian dài đã khiến những công trình này bị xuống cấp nặng. Sau khi trường được công nhận là Di tích kiến trúc quốc gia vào năm 2001, việc hoàn trả nguyên trạng kiến trúc cũng không được thực hiện. Bằng trực quan, không khó để nhận thấy những xuống cấp hiện tại của trường CĐSP Đà Lạt. Từ khu A, khu B, hội trường khu B, khu C, khu E sang đến khối hiệu bộ, khu văn phòng các khoa, các mảng tường và trần đã bong tróc khá nhiều. Cầu thang và hệ thống cửa đi, cửa sổ, thiết bị điện qua nhiều năm không được sửa chữa cũng đã xuống cấp nặng. Nghiêm trọng nhất là khối nhà cong, tháp bút biểu tượng của trường, phần lớn nền cũ bị hư hỏng, bề mặt tường diện tích hàng ngàn mét vuông cũng bị bong tróc.

Ngoài công trình Trường CĐSP Đà Lạt, nhiều công trình kiến trúc độc đáo của Đà Lạt cũng đang bị xuống cấp. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, ngoài quỹ biệt thự nhà nước đã cho các đơn vị thuê, cải tạo nâng cấp đưa vào khai thác, kinh doanh dịch vụ đã phát huy hiệu quả giá trị của kiến trúc TP Đà Lạt, hiện vẫn còn một số biệt thự chưa được nhà đầu tư quan tâm triển khai nên xảy ra tình trạng xuống cấp, hư hỏng gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an ninh trật tự và lãng phí tài sản nhà nước. Qua rà soát, có khoảng 30 biệt thự nhà nước vẫn chưa phát huy hết giá trị vốn có. Trong đó phải kể đến nhóm biệt thự số 01, 03, 05, 07 đường Cô Giang, phường 9, TP Đà Lạt giao cho Công ty TNHH DIDAMA từ tháng 3-2017 đến nay vẫn chưa có động thái đầu tư và ngày càng xuống cấp nặng. Các biệt thự nhà nước khác trên đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Du hiện cũng “bất động”.

Lấn cấn giữa bảo tồn và phát huy

Ga Đà Lạt là công trình được công nhận Di tích kiến trúc cấp quốc gia cùng thời điểm với Trường CĐSP Đà Lạt, vào năm 2001. Sau một thời gian mở cửa miễn phí, Ga Đà Lạt đã thu vé vào tham quan nhằm bù đắp một phần chi phí bảo tồn và phương án này đang phát huy hiệu quả. Trước đây, trung bình mỗi năm, Ga Đà Lạt đón từ 300.000 - 400.000 lượt khách, thì năm 2018 đã đón gần 800.000 lượt khách nhờ thay đổi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ông Nguyễn Võ Minh Chánh, Trưởng Ga Đà Lạt, cho biết: “Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn tiền từ trên đầu tư về, Ga Đà Lạt đã lập đề án thu vé đối với khách tham quan và được tỉnh Lâm Đồng cho phép bán vé vào cổng từ ngày 1-6-2017 với giá 5.000 đồng/lượt khách. Sau nhiều năm mở cửa miễn phí rồi áp dụng mức phí vào cổng, chúng tôi đã phải cân đối làm sao để du khách hài lòng. Công trình chưa cải tạo được nhiều nên chỉ đề xuất, thu mức giá thấp và dùng số tiền đó cải tạo lại khuôn viên. Thu phí cao hay thấp phụ thuộc vào sản phẩm mình có để mọi người tham quan được thoải mái nhất. Ngoài ra, khi đón những đoàn khách đông sẽ cần lao động vệ sinh, an ninh nên chúng tôi đã ký hợp đồng liên kết với các đơn vị cung cấp lao động để giải quyết vấn đề nhân sự. Một số không gian cũng được chúng tôi tận dụng để cho thuê mặt bằng bán hàng, vừa giúp tăng thu nhập cho ga, vừa để cho du khách có thêm lựa chọn sản phẩm khi tham quan nhà ga”.

Trong khi đó, tháng 9-2018, Trường CĐSP Đà Lạt làm tờ trình đề xuất xây dựng đề án thu phí vào cổng tham quan Di tích kiến trúc quốc gia Trường CĐSP Đà Lạt. Dự kiến sẽ thu phí vào cổng là 20.000 đồng/người lớn (trên 16 tuổi) và 10.000 đồng/trẻ em (từ 6 đến dưới 16 tuổi). Chi phí thu về sẽ được trả lương cho nhân viên vệ sinh, bán vé, kiểm soát vé, hướng dẫn khách vào khu tham quan; mua sắm vật tư, phương tiện phục vụ chỉnh trang cảnh quan khuôn viên trường… Nhưng phương án này không được chấp thuận. Bất đắc dĩ, từ ngày 12-4, Trường CĐSP Đà Lạt đã phải ngưng đón khách tham quan. Ông Trần Đình Sơn, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường CĐSP Đà Lạt, cho biết, từ ngày trường được công nhận là di tích kiến trúc quốc gia, trường chỉ được cái “tiếng” nhưng chưa nhận được sự đầu tư nào về bảo trì, nâng cấp. “Chúng tôi là cơ sở giáo dục - đào tạo bậc CĐ, ĐH nên nhiệm vụ trọng tâm là dạy và học. Tiền chi lương cho cán bộ nhân viên còn nợ 1,7 tỷ thì lấy đâu tiền để trả điện, nước, công tác vệ sinh phục vụ du khách. Khi nào có đủ nhân lực, kinh phí, trường sẽ mở cửa cho khách tham quan ngay”, ông Trần Đình Sơn lý giải.

Ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, khó khăn hiện nay của Trường CĐSP Đà Lạt trong việc cân đối giữa bảo tồn di tích và phục vụ giảng dạy nằm ở kinh phí hoạt động. Những năm qua, sinh viên theo học ở trường ít mà ngân sách trả theo số lượng sinh viên nên hiện vẫn còn nợ lương giáo viên, cán bộ. Trường phải có nguồn kinh phí thu thêm mới có nguồn lực để làm việc khác được. Trường CĐSP Đà Lạt cũng là di tích kiến trúc quốc gia nên không có lý do gì để không cho du khách vào tham quan. Tuy nhiên, do đặc thù là trường học nên cần sắp xếp thời gian tham quan phù hợp, đồng thời cần thiết phải có người hướng dẫn du khách nhằm giữ gìn trật tự, tránh gây xáo trộn việc học tập của sinh viên.

ĐOÀN KIÊN (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Mê mẩn với những thiết kế phòng ngủ độc đáo cho các thiên thần nhỏ

Mê mẩn với những thiết kế phòng ngủ độc đáo cho các thiên thần nhỏ

Phòng ngủ riêng là nơi đặt tiền đề cho một cuộc sống riêng tư của các bé, là nơi để các bé gửi gắm những ước mơ, kỷ niệm tuổi thơ. Đẹp, ấn tượng và phù hợp với cá tính riêng của con chắc chắn là điều mà bất cứ bố mẹ nào cũng nghĩ đến khi lên ý tưởng thiết kế phòng ngủ cho các thiên thần nhỏ.
Một quảng trường tại Paris được đặt tên người Việt Nam

Một quảng trường tại Paris được đặt tên người Việt Nam

Ngày 29-6, lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường nhỏ trung tâm quận 16 ở thủ đô Paris, đã được tiến hành với sự hiện diện của Phó Thị trưởng thành phố Paris Laurence Patrice, Thị trưởng quận 16, Francis Szpiner, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo người thân gia đình ông Đỗ Hữu Vị, quan chức và nhân dân địa phương.
Lan tỏa vẻ đẹp kiến trúc xưa

Lan tỏa vẻ đẹp kiến trúc xưa

Có nhiều cách khác nhau để truyền tải thông điệp về tình yêu đối với những di sản kiến trúc xưa. Chàng trai Trương Văn Bộ (làng Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) chọn một cách độc đáo không giống ai: Thu nhỏ những công trình kiến trúc, nhất là đình chùa, cổng làng hay những nếp nhà truyền thống Bắc Bộ. Những mô hình của Bộ được nhiều người ưa chuộng. Và từ đó, Bộ đã lan tỏa nét đẹp văn hóa, kiến trúc xưa.
Điểm danh những kỳ quan đô thị mới tại Việt Nam

Điểm danh những kỳ quan đô thị mới tại Việt Nam

Nếu như Hà Nội có kỳ quan “biển giữa lòng thành phố“, Công viên Nhật Bản quy mô hàng đầu Đông Nam Á… thì TPHCM có tòa tháp Landmark 81 – top tòa nhà cao hàng đầu thế giới hay Đại công viên ánh sáng 36ha… Đó là những biểu tượng đô thị hiện đại mới xứng tầm kỳ quan, có thể gọi tên “những công trình có trái tim“ khi được xây nên từ tâm huyết của các nhà kiến tạo.