Trước sân nhà rông, ông Hnaih (làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) lật qua lật lại kiểm tra độ khô của tấm da bò được căng trên một khung tre hình vuông. Tấm da phơi nhiều nắng to đã khô cong, nhưng theo ông, cần phơi thêm 1-2 nắng nữa mới đạt yêu cầu.
Cũng theo ông Hnaih, tấm da bò do người dân trong làng góp tiền mua với giá 800 ngàn đồng.
Nhắc đến chuyện làm trống, ông ghé tai một thanh niên nói nhỏ. Người thanh niên lấy xe máy chạy đi và lát sau đưa về cái tang trống cũ. Bên trong lẫn bên ngoài “xác trống” lộ rõ dấu vết thời gian, nhất là những mảng bùn đất. Tuy mặt trống bị hư nhưng làng mang cái tang trống đi “cất” dưới lòng suối để tránh bị hư hỏng. Già làng Ngưm-người tham gia việc làm trống-cho biết:
Mô tả công đoạn làm trống, già làng Ngưm cho biết, tấm da bò phơi nhiều nắng cho thật khô, sau đó ngâm nước 1-2 đêm cho mềm lại và tiếp tục căng lên. Khi tấm da đạt độ mềm, dẻo sẽ được căng lên tang trống và cố định bằng đinh. “Trước đây, làm trống hoàn toàn bằng “đinh” vót từ cây tre già và dây mây. Nay thay thế bằng đinh sắt nhưng không ảnh hưởng gì đến âm thanh”-già làng Ngưm cho hay.
Tại làng Stơr-quê hương Anh hùng Núp, người Bahnar ở đây cũng vừa làm xong 2 cái trống da bò cỡ vừa, loại dùng đánh trong dàn cồng chiêng. Anh Đinh Mỡi-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Tơ Tung (huyện Kbang) thông tin: “Trống do 2 nghệ nhân Đinh Dom, Đinh Hmê làm từ thân cây gỗ lim. Già làng phải làm lễ cúng xin thần cây để hạ cây xuống, cầu cho tiếng trống vang khắp buôn làng, phù hộ cho người dân mạnh khỏe để có sức đánh chiêng, múa trống, lao động sản xuất. Bây giờ, chỉ những người già mới có đủ kinh nghiệm để làm những cái trống bền đẹp, âm thanh vang xa. Những ngày vừa qua, khi 2 nghệ nhân làm trống, thanh niên trong làng cũng đến học hỏi để sau này kế tiếp công việc này. Đối với người Bahnar, tiếng chiêng, tiếng trống không thể tách rời trong đời sống. Bất kể sự kiện gì trong làng cũng đều bắt đầu từ tiếng trống”.
Trong căn nhà dài đặc trưng cho lối kiến trúc của người Jrai, ông Kpă Rik (buôn Chờ Tung, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) vẫn còn lưu giữ nhiều loại trống da bò, da trâu kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Nổi bật nhất là chiếc trống da có kích thước rất lớn đặt cố định sát vách nhà. Theo ông Rik, đây là cái trống kích thước lớn nhất trong vùng, được ông và cha mình làm ròng rã trong 2 năm mới xong. Trống có đường kính bề mặt hơn 80 cm, cao 1 m, nặng hàng trăm ký.
Theo lời chủ nhà, cái trống đặc biệt này cũng chỉ sử dụng trong những dịp đặc biệt, đó là đánh để báo tin vui, buồn của gia đình, cộng đồng, hoặc đánh trong các nghi lễ chứ không dùng trong lễ hội.
Đưa tay sờ lên mặt chiếc trống đã bạc phếch màu thời gian, ông Rik nhớ lại: “Tang trống được làm từ gỗ cây na rách trăm năm tuổi. Khi cha mình tìm được cây gỗ lớn trong rừng, ông đã mời già làng làm lễ cúng hạ cây, chọn đoạn vừa ý nhất cưa mang về làm trống. Trong suốt 2 năm, 2 cha con chỉ dùng những chiếc đục, rìu có lưỡi thật bén sắc để đục đẽo. Mình nhớ hồi bắt tay làm cái trống này, vợ sinh con gái đầu lòng (năm 1980), đến khi làm xong trống thì con gái biết đi. Tới nay, mình có 9 đứa con, mấy chục đứa cháu. Đứa nào sinh ra mình cũng đánh trống báo tin vui với làng”.
Không như nhiều loại trống lớn nhỏ chỉ dùng đánh trong các dàn nhạc cồng chiêng, cái trống lớn đã song hành cùng đời sống văn hóa của gia đình ông Rik gần nửa thế kỷ với bao chuyện buồn vui. Đó là tiếng trống báo tin vui khi nhà có thêm những đứa con, cháu; báo tin buồn ngày cha ông mất hay tiếng trống báo tin gia đình có cúng lớn… để dân làng biết mà kịp đến chung vui, chia buồn.
Người Bahnar, Jrai có nhiều loại trống sử dụng trong nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa. Nhưng phổ biến và thường thấy nhất là các loại trống trong dàn cồng chiêng. Có loại trống cỡ vừa được nghệ nhân đeo phía trước vừa nhảy múa theo đội xoang vừa đánh bằng dùi. Có loại trống cái lớn được cố định trên giá cho 4 người khiêng và 1 người cầm dùi đánh. Lại có loại trống rất nhỏ tạo âm thanh bằng cách vỗ bằng tay… Nói về vai trò của tiếng trống trong dàn chiêng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho biết:
Những chủ nhân của di sản văn hóa độc đáo này cũng có nhiều cách riêng để bảo tồn trống, thậm chí dụng công đi tìm người “vá trống” nếu chẳng may bị hỏng. Năm 2023, ông Siu Yát (làng Bông La, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đã bỏ ra 70 triệu đồng mua 1 bộ cồng chiêng cổ. Đi cùng bộ chiêng là chiếc trống da trâu đã bị thủng. Ông Yát cho hay: “Một mặt trống bị thủng, nhưng mình đánh thử mặt còn lại thấy hay quá, âm trầm nhưng rất vang, nghe thích cái tai vì “hồn trống” vẫn còn. Đó là cái trống tốt nên mình quyết định mang về. Tuy vậy, tìm mãi chưa ra nghệ nhân giỏi để nhờ vá mặt trống. Trước kia, làng mình cũng có người biết làm trống da trâu, da bò, nhưng tất cả về với Yàng hết rồi. Mình vừa hỏi thông tin được một người vá trống ở TP. Pleiku, sắp tới sẽ mang trống đi sửa để chuẩn bị cho mấy đợt giao lưu cồng chiêng, ngày hội văn hóa sắp tới”-ông nói.
Người Bahnar, Jrai không đúc được cồng chiêng mà mua bán, trao đổi từ nơi khác. Nhưng, họ làm ra nhiều loại trống da gắn liền với dàn nhạc chiêng. Trống không dùng để độc tấu. Và dàn chiêng không có trống như thiếu đi “nhạc trưởng”. Bản hòa âm của chiêng, trống đã trở thành thanh âm cội nguồn của người Bahnar, Jrai suốt ngàn đời nay trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.