Bão nhiệt đới có cường độ mạnh ngày càng xuất hiện sớm hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 1981 đến năm 2017, các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh, có tốc độ gió tối đa lên tới 203,7km/h, đã xảy ra sớm hơn ở cả hai bán cầu Bắc và Nam.
Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt tại Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 6/9 vừa qua do cơn bão Haikui gây ra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt tại Phúc Kiến, Trung Quốc ngày 6/9 vừa qua do cơn bão Haikui gây ra. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những cơn bão mạnh kết hợp cùng lượng mưa lớn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho con người, do vậy các chính phủ cần đưa ra kế hoạch thích ứng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, chịu thiệt hại lớn do thiên tai.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Đại học Khoa học-Công nghệ Nam Phương ở Thâm Quyến, Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo và Đại học Hawaii ở Manoa đã đưa ra kết luận trên tạp chí Nature số ra mới đây.

Theo phân tích dữ liệu vệ tinh từ năm 1981 đến năm 2017, các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh, có tốc độ gió tối đa lên tới 203,7km/h, đã xảy ra sớm hơn ở cả hai bán cầu Bắc và Nam. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước tới nay, những cơn bão đã dịch chuyển sớm hơn trung bình 3,7 ngày ở Bắc bán cầu và 3,2 ngày ở Nam bán cầu.

Theo nghiên cứu, sự thay đổi này chỉ đáng chú ý đối với những cơn bão mạnh, không bao gồm những cơn bão ít nghiêm trọng hơn.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng khí thải nhà kính đã khiến nhiệt độ nước biển tăng nhanh hơn, dẫn đến các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh xuất hiện sớm hơn.

Các nhà khoa học lưu ý rằng xu hướng xuất hiện các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh trước thể hiện rõ nhất ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương - khu vực có nhiều hoạt động bão nhiệt đới nhất trên thế giới. Những phát hiện này có ý nghĩa đối với việc quản lý rủi ro các thảm họa, liên quan đến bão nhiệt đới trong điều kiện Trái Đất nóng lên.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích các dữ liệu khí hậu ở miền Nam Trung Quốc. Họ nhận thấy các đợt mưa cực đoan thường bắt đầu đạt đỉnh vào tháng Sáu do hệ thống gió mùa của mùa Hè và quay trở lại vào tháng 10 do bão đổ bộ.

Tuy nhiên, lượng mưa cực lớn trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín đã gia tăng rõ rệt theo thời gian. Nguyên nhân là do các cơn bão cường độ mạnh xảy ra sớm hơn. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy xu hướng tương tự tại Vịnh Mexico, một khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề của bão nhiệt đới.

Ông Song Fengfei, Giáo sư tại Đại học Hải dương Trung Quốc, giải thích rằng biến đổi khí hậu khiến đại dương trở nên ấm hơn vào mùa Hè, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơn bão hình thành sớm hơn các đợt cao điểm thông thường vào mùa Thu. Ông nhấn mạnh khi bão xuất hiện cùng thời điểm với mưa gió mùa, thiệt hại về người và môi trường sẽ nặng nề hơn.

Theo Giáo sư Song Fengfei, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích mối quan hệ giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu với các cơn bão. Trong đó, các nhà khoa học sẽ xác định mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến mùa bão trong tương lai và đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan chồng chéo.

Có thể bạn quan tâm