"Nếu không tham gia BHXH tự nguyện, những người lao động tự do (LĐTD) như chúng tôi hầu như không có một bảo đảm an sinh xã hội nào. Đóng BHXH tự nguyện thì chúng tôi được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất (bao gồm cả quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT).
Tuy nhiên, chúng tôi không được hưởng chế độ thai sản và những quy định về an sinh xã hội vừa qua, như gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng thì chúng tôi không được hưởng vì chúng tôi là lao động khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động với người sử dụng lao động"…
Đó là những tâm tư của đông đảo LĐTD bày tỏ sau những ngày khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 gây ra. Đại dịch ập đến, càng làm cho LĐTD sống trong chật vật và khi nhiều đối tượng được tấm lưới an sinh xã hội "hứng đỡ" cho qua những khó khăn chồng chất thì một bộ phận lớn LĐTD bị lọt ra. Chỉ có những đợt hỗ trợ, như ở TP HCM, đối tượng LĐTD nhận được sự quan tâm từ hệ thống chính quyền, đoàn thể, giúp họ vơi bớt nhọc nhằn…
Theo các nghiên cứu về lao động xã hội, LĐTD không có bảo hiểm có nguy cơ dễ bị tổn thương và nghèo cao hơn. Hiện đa số LĐTD (55%) tập trung ở khu vực thành thị; họ tạo nên kinh tế phi kết cấu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước (tạo ra 20%-30% GDP cho nền kinh tế). Tuy nhiên, phúc lợi và an sinh xã hội cho LĐTD còn hạn hẹp. Họ có chế độ BHXH tự nguyện để tham gia, song tỉ lệ còn thấp, đến hết tháng 4-2021, cả nước mới có hơn 1,12 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Theo các chuyên gia, bên cạnh sự hỗ trợ này, cần sửa đổi chính sách và cải thiện công tác tổ chức thực hiện. Cụ thể, tạo điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm và tiến tới còn 10 năm để được hưởng lương hưu và bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt, thêm quyền lợi cho người tham gia như: ốm đau, thai sản, thay vì chỉ 2 chế độ hưu trí và tử tuất như hiện nay.
Để tiến tới thực hiện BHXH toàn dân, phải mở rộng đối tượng tham gia và BHXH cho LĐTD là một trong những vấn đề cần quan tâm hơn nữa. LĐTD phải được nhìn thấy quyền lợi của mình qua các quy định về đóng - hưởng. Những khi hữu sự như ốm đau, thai sản được BHXH san sẻ một phần chi phí với những chăm sóc của hệ thống y tế. Đến khi già yếu, không còn sức làm việc thì được BHXH tiếp sức, bớt nỗi lo đời sống. Chính sách BHXH đến với đông đảo LĐTD sẽ khả thi và hiệu quả hơn khi nào LĐTD có được hình dung rõ ràng về sự bảo đảm trong tương lai khi tham gia. Những điều chỉnh hợp lý thể hiện sự quan tâm thấu đáo, trân trọng đóng góp và bảo đảm nguyên tắc bình đẳng. Từ đó, chắc chắn sẽ thu hút đông đảo LĐTD đến với hệ thống BHXH.
Theo HIỀN MINH (NLĐO)