"Bão đêm" vì sao cứ nổi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một người trong giới độ xe cho biết sở dĩ thời gian gần đây tình trạng "bão đêm" ở TP HCM trở nên rầm rộ là do các "lò" xe cho "nài" ra đua để luyện lại tay lái?
Còn hơn mười ngày nữa là đến lễ 30-4 và 1-5. Những ngày này hàng loạt "lò" độ xe tại TP HCM làm việc hết công suất để phục vụ các nhóm "bão đêm" quy mô lớn nhất trong năm. Qua nhiều người giới thiệu, chúng tôi được Huân - "quái xế" nổi tiếng tại quận 8 - dẫn đi lên đời chiếc xe của mình.
Vào "thủ phủ" độ xe
Huân có trong tay 2 chiếc Suzuki RGV (còn gọi là "Su xì-po") khiến nhiều người thèm thuồng. Xe của Huân được giới "bão đêm" thấy là nể vì có khả năng trong 4 giây đẩy vận tốc lên 130-150 km/giờ. "Gần đây làm căng, các loại xe dòng này bị chú ý nên phải đua bằng xe Wave Trung Quốc" - Huân nói.
Trên đường đi cùng chúng tôi, Huân điểm mặt một số nơi được cho là tập trung nhiều "lò" độ gồm: Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), Quốc lộ 50 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), 3 Tháng 2 (quận 11) và khu tứ giác xung quanh chợ Tân Thành (quận 5). Điểm chung, các "lò" độ nằm trong các con hẻm nhỏ, phía trước để các thiết bị sửa xe bình thường (đồ vá bánh xe, bơm hơi) nhưng bên trong là nơi độ chế những chiếc xe "cọp".
Nơi đầu tiên Huân dẫn chúng tôi đến là một căn nhà nằm sâu trong con hẻm thuộc khu dân cư Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Đây là "lò" của ông Kháng - chủ chuỗi "lò" độ xe có tên Kháng "ma". Ông chủ này đối với dân đam mê tốc độ không lạ gì, từng có "thành tích" ráp 2 máy xe thành một máy, nổ máy kéo ga xe đạt vận tốc gần 180 km/giờ.

Xe “cọp” được độ lại tại một cơ sở nằm trên khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: LÊ PHONG
Xe “cọp” được độ lại tại một cơ sở nằm trên khu dân cư Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: LÊ PHONG
Bên trong "lò" có 6 thợ, gần 10 chiếc xe xếp hàng dài đợi đến lượt. Thấy khách đến, Hà (34 tuổi, thợ máy) chạy đến hỏi thăm. "Bên em mới nhập trái (pít-tông - PV) xịn về. Chỉ cần nâng lên 66 mm là đua ngang ngửa với tốc độ bàn thờ" - Hà giới thiệu và ra giá nếu làm, chi phí 7 triệu đồng. Tuy nhiên, do lượng xe đặt hàng khá nhiều nên phải mất 3 ngày mới đến lượt.
Chúng tôi tò mò về những xe bên trong nhà, Hà bật mí: "Chiếc Exciter đó của tay giật đồ, gửi thay chảo và mâm để độ hút và xả xi-lanh mạnh hơn. Mấy chiếc kia đang "lên đời" chờ trận đua cuối tháng".
Theo quan sát, các phương tiện độ xe phần lớn là những dòng xe rẻ tiền, thậm chí có cả xe Wave Trung Quốc giá thị trường chưa đến 10 triệu đồng. Nhưng theo lời kể của các thợ máy, chỉ cần bỏ chừng 15-20 triệu đồng, bung hết toàn bộ máy thay xú-páp và mâm thì có thể thành "chiến mã". Xu hướng bây giờ dân đua xe thích chạy xe "cùi" nhưng nhập cuộc chạy như bay, lúc đó mới thể hiện được đẳng cấp dân chơi (!?).
Một "lò" khác cũng nổi tiếng không kém nằm ở đường 3 Tháng 2 (quận 11). Nơi đây, chuyên phục vụ các "nài" đua ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Gặp chúng tôi, một người đàn ông tên Tí quảng cáo: "Có xem báo trận đua ở đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây không? Trong đó 30% là xe từ "lò" này sản xuất".
Sở dĩ thời gian gần đây tình trạng "bão đêm" trở nên rầm rộ không phải bất thường, theo ông Tí, là do các "lò" xe cho "nài" ra đua để luyện lại tay lái. Bởi dân "quái xế" luôn mong ngóng cuối tháng 4 là tổ chức ăn thua. "Các cuộc đua phần lớn do những "lò" đứng ra kêu gọi nhằm lấy tiếng và quảng cáo tay nghề. Mỗi đêm tốn chừng 10 triệu đồng để thuê một số người canh chừng CSGT, chặn xe để tạo mặt đường cho "nài" đua" - ông Tí cho biết.
Cũng theo ông Tí, lúc trước các "lò" độ xe hoạt động kín kẽ nhưng nay vừa sửa xe vừa làm lại máy có thể bày ra công khai. Tuy nhiên, chỉ dám nhận khách quen hoặc có người tin cậy giới thiệu. Còn khi có kiểm tra thì nói xe bị ngập nước, phải tháo máy để chỉnh sửa…
Kiểm soát chặt các "lò"
Trong những lần tìm hiểu về thế giới độ xe, chúng tôi ghi nhận được 2 hội kín thường xuyên tổ chức đua xe và liên lạc qua ứng dụng Zalo. Ngoài ra, lịch đua và địa điểm đua với quy mô 50 chiếc dự kiến diễn ra cuối tháng 4 này. Thông tin này đã được ghi nhận và chuyển cho Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM có biện pháp xử lý, ngăn chặn.
Phản hồi về thực trạng đua xe trái phép đang rầm rộ, trung tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng PC08, cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ trong xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, gây rối trật tự công cộng. Cụ thể, sẽ phối hợp chính quyền địa phương rà soát các điểm sửa chữa môtô, xe máy có dấu hiệu độ xe để nhắc nhở và yêu cầu cam kết không thực hiện việc độ, chế xe trái phép. Đồng thời, tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên có biểu hiện thích đua xe hoặc tụ tập cổ vũ đua xe.
Tiếp tục phối hợp lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự tổ chức hóa trang mật phục, kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý các đối tượng thanh thiếu niên điều khiển xe độ, xe không có bộ phận giảm thanh, pô nổ to..., có biểu hiện tụ tập, lưu thông thành đoàn, gây rối trật tự công cộng, đối tượng nghi vấn hoạt động tội phạm.
"Chúng tôi kêu gọi người dân khi phát hiện nhóm thanh niên tụ tập có sử dụng xe độ, tập trung để biểu diễn…, vui lòng gọi về đường dây nóng của PC08: 0994 676 767 hoặc 069 3187 521 để lực lượng CSGT có biện pháp xử lý" - ông Dương nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Dương, từ công tác phòng chống thanh thiếu niên tụ tập, gây rối trật tự công cộng, lực lượng CSGT nhận thấy đa số đối tượng tham gia "đi bão" thường là thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm của gia đình, được sự nuông chiều trong việc mua sắm phương tiện, tiền bạc nhưng lại thiếu sự quan tâm về tình cảm, thời gian sinh hoạt nên bị sự lôi kéo rủ rê của bạn bè, các đối tượng xấu, gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người.
Lãnh đạo PC08 khuyến cáo các bậc cha mẹ, người thân cần có sự quan tâm hơn nữa đối với các bạn trẻ ở lứa tuổi 12-26. Quan tâm, kiểm soát con em để tránh bạn bè hay các đối tượng xấu dụ dỗ tham gia những nhóm mạng xã hội, sử dụng phương tiện gây rối trật tự công cộng.
Mỗi lần ra quân đều "tóm" được nhóm đua
Theo thống kê từ PC08, trong 2 tháng gần đây, các đội, trạm đã xử lý hơn 13 nhóm đua xe trái phép.
Đêm 13-4, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, tổ công tác do trung tá Huỳnh Quốc Nhanh, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, làm tổ trưởng đã phát hiện, lập biên bản xử lý và tạm giữ phương tiện của nhóm 10 đối tượng sử dụng "xế độ", không bảo đảm an toàn kỹ thuật tụ tập trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng - Công trường Lam Sơn (quận 1, TP HCM).
Tối 10-4, Trạm CSTG Đa Phước phát hiện một tốp khoảng 15 môtô di chuyển trên đường Nguyễn Văn Linh hướng từ huyện Bình Chánh về quận 7, TP HCM. CSGT tiến hành truy đuổi thì các đối tượng chia thành 2 nhóm nhỏ, di chuyển trên đường Nguyễn Văn Linh hướng về quận 7 và Quốc lộ 50 hướng về quận 8. Sau đó, tiếp tục chia nhỏ rẽ vào các đường nhánh tẩu thoát.
Riêng N.N.S (SN 2005, ngụ quận 7) bị lực lượng chức năng chặn xe, đưa về trụ sở. Tại đây, S. khai đã cùng nhiều thanh thiếu niên lập nhóm chat "Trường đua 3K" trên Facebook, sau đó hẹn nhau tụ tập, nẹt pô, "dợt xe", chuẩn bị "biểu diễn" trên đường.
Đến gần 23 giờ cùng ngày, Đội CSGT Nam Sài Gòn phát hiện nhóm khoảng 20 xe đang tụ tập ở phía chân cầu Phú Mỹ, chuẩn bị đi "bão". Nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng đã tổ chức vây chặn được một xe máy chở 2 đối tượng chạy qua cầu Phú Xuân, đến hẻm cụt thì bị khống chế. Đối tượng điều khiển phương tiện tên Đ.D (SN 2002, ngụ quận 7). Bước đầu, D. khai được bạn rủ đi xem "bão". Tuy nhiên, các đối tượng đã nhanh chóng xóa nhóm kín dùng hẹn nhau trên Facebook, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, truy quét các đối tượng còn lại.
Lê Phong - Ý Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.