Bảo đảm tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM chiều 18-5 cho biết do gặp khó khăn về đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất nên Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chấm dứt hợp đồng với 5.744 lao động.

Trong số này có hơn 80% lao động nữ và một nửa trong số đó từ 40 tuổi trở lên; 83,2% lao động có thâm niên làm việc tại công ty từ 10 năm trở lên. Người lao động (NLĐ) mất việc được hỗ trợ 0,8 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc tại công ty. Từ ngày đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động đến khi chính thức nghỉ việc, NLĐ vẫn được trả lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Những thông tin về giảm giờ làm, thôi việc, mất việc của NLĐ ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động tại các đô thị lớn, không phải là chuyện hiếm, nhất là sau 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, hàng ngàn DN phải thu hẹp sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động. Rời nhà máy, nhiều lao động trẻ có thể sớm tìm được việc làm mới nhờ có bằng cấp, kỹ năng, sức khỏe, song với không ít NLĐ đã có tuổi, cơ hội trở lại thị trường lao động ngày càng hiếm hoi. Chẳng hạn với công nhân Công ty PouYuen, nhiều người trong số họ là cư dân ở các huyện của tỉnh Long An, Tiền Giang, bỏ việc ruộng đồng để vào làm công nhân nhà máy. Họ dậy rất sớm, theo xe vào nhà máy ở quận Bình Tân, TP HCM, chiều tối mới về đến nhà, liên tục nhiều năm như vậy, có người làm việc hơn 10 năm tại công ty.

Nay rời công ty, tuổi nhiều người đã hơn 40, nhận các khoản trợ cấp xong, thu vén chuyện nhà, nhiều người quay trở lại TP HCM để tìm sinh kế. Bằng cấp chuyên môn không có, chỉ biết mỗi nghề may công nghiệp trên dây chuyền, thiếu các kỹ năng bổ trợ khác, họ khó tìm được việc làm mới trong các nhà máy vì không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Họ chỉ có thể tìm các việc làm thời vụ trong các ngành dịch vụ, vệ sinh công nghiệp cùng những việc lao động giản đơn.

Theo Nghị quyết 28 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ngày 23-5-2018) về cải cách chính sách BHXH, phải sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt và điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đồng thời phải sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.

Quan điểm này thể hiện rất rõ tính nhân văn, tiến bộ. Trải qua hàng chục năm phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, hàng triệu NLĐ đem hết tuổi thanh xuân đóng góp cho sự phát triển của các địa phương, các DN. Thôi việc, họ chưa đủ điều kiện để hưởng hưu trí, nhiều người chọn cách nhận trợ cấp một lần và sau đó chật vật mưu sinh. Nếu giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, họ có thể bảo lưu để quay trở lại thị trường lao động, tiếp tục đóng BHXH để sau này được hưởng chế độ hưu trí.

Sự nghiệt ngã của thị trường lao động là tất yếu. Nếu chính sách BHXH thiết kế linh hoạt, đa tầng sẽ góp phần giúp NLĐ cơ hội trở lại thị trường lao động và tự tin nghĩ đến tương lai được bảo đảm hơn.

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.