(GLO)- Nhiều địa phương nôn nóng phát triển ồ ạt các cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), quy hoạch nhiều mảnh đất vàng, thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng rồi để đất hoang hóa lãng phí, trong khi người dân không có đất canh tác. Chắc hẳn bài toán lãng phí này không khó để những người đã quy hoạch ra các khu công nghiệp này nhẩm tính.
“Thực trạng chung của cả nước”
Ngoài những mảnh đất được người dân tận dụng trồng hoa màu, cụm công nghiệp Đak Djrăng chỉ toàn là cỏ dại như thế này. Ảnh: Minh Triều |
Ông Nguyễn Duy Lộc-Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương Gia Lai-cho biết: Tính đến cuối tháng 7-2015, trên địa bàn tỉnh có 11 cụm CN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích hơn 297,4 ha, trong đó có 6 cụm CN được phê duyệt bước thứ 2, tức là đã phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng. Có 3 cụm CN-TTCN là Ia Khươl (huyện Chư Pah), Ia Sao (thị xã Ayun Pa) và Đak Djrăng (huyện Mang Yang) đã được Trung ương hỗ trợ 6 tỷ đồng/cụm để xây dựng một số hạng mục hạ tầng thiết yếu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cụm CN Diên Phú (TP. Pleiku)với diện tích hơn 40 ha, tuy nằm ở vị trí khá thuận lợi, đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chỉ mới có 3 doanh nghiệp hoạt động và 7 doanh nghiệp khác đang xây dựng nhà xưởng. “Còn cụm CN-TTCN huyện Chư Pah thì cách đây 3-4 năm có 3 dự án đầu tư vào đây nhưng lúc làm lúc không, cũng lèo tèo. Cụm CN của huyện Mang Yang được Trung ương hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, làm được mấy trăm mét đường giao thông nội bộ để kêu gọi đầu tư nhưng khi doanh nghiệp đăng ký dự án thì không thấy có hệ thống thoát nước, đường điện nên họ chỉ dừng lại ở việc đăng ký giữ đất. Cụm CN huyện Chư Sê thì chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp đăng ký, tất cả các cụm công nghiệp còn lại cũng không có tên, không có gì cả”-ông Lộc cho biết.
Hàng ngày người dân vẫn đi làm trong khu công nghiệp. Ảnh: Minh Triều |
Cũng theo ông Lộc, sau khi được UBND tỉnh quy hoạch chi tiết, các cụm CN-TTCN này không có kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó tỉnh giao cho huyện tự huy động, nhưng ngân sách của huyện có hạn nên không thể bố trí kinh phí. Đối với cụm CN được tỉnh phê duyệt dự án đầu tư từ các nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách địa phương và vốn địa phương huy động từ các nguồn vốn khác, do những năm gần đây bế tắc 3 nguồn vốn trên nên địa phương cũng dừng đầu tư, và thực tế là khoảng 5, 6 năm gần đây tỉnh không bỏ thêm kinh phí.
“Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là nguồn vốn đầu tư không có, việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chỉ ở mức độ vừa phải... Ngay cả khu CN Trà Đa hay cụm CN Diên Phú (TP. Pleiku) nằm ở những vị trí rất thuận lợi nhưng bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa lấp kín thì thử hỏi doanh nghiệp xuống huyện đầu tư để làm gì? Đây là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì ở Gia Lai, bởi nếu không quy hoạch cụm CN thì không giữ được đất”-ông Lộc phân tích.
Tận dụng các cụm công nghiệp bỏ hoang, cỏ mọc um tùm người dân lùa đàn bò của mình vào chăn thả. Ảnh: Minh Triều |
Doanh nghiệp và địa phương... "tự bơi"
Ông Đặng Công Lâm-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-thừa nhận: Nhiều hạng mục ở cụm CN-TTCN tại huyện này như hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải... chưa được đầu tư vì không có kinh phí. Việc giải quyết cho thuê đất để các doanh nghiệp xây dựng nhà máy còn chậm, trải qua nhiều khâu thủ tục hành chính và một số ràng buộc về hồ sơ thủ tục, thẩm quyền giải quyết nên các dự án bị kéo dài làm nản lòng các nhà đầu tư.
Thậm chí xuất hiện những vườn tiêu trong cụm công nghiệp. Ảnh: Minh Triều |
Hiểu được những khó khăn của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp cũng xác định phải “tự bơi” khi lựa chọn đầu tư vào cụm CN. Ông Nguyễn Trường Thịnh-Giám đốc Công ty TNHH Bột nhang Trường Thịnh-cho biết: “Vợ chồng tôi từ Kon Tum xuống khảo sát thấy ở đây nguồn nguyên liệu là cây bời lời rất dồi dào nên đành bấm bụng vào cụm CN-TTCN huyện Chư Pah xin thuê đất xây dựng nhà xưởng hoạt động sản xuất. Ủy ban nhân dân huyện cũng tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính nhưng cơ sở hạ tầng ở đây chưa có gì, chúng tôi phải bỏ ra hơn 750 triệu đồng để đầu tư hệ thống đường dây điện, đó là chưa nói đến chi phí đầu tư hệ thống thoát nước, san ủi mặt bằng…”-ông Thịnh chia sẻ.
Tương tự, ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ia Grai-cũng kiến nghị: “UBND tỉnh cũng cần có cơ chế mở rộng loại hình kinh doanh trong các cụm CN-TTCN, tháo gỡ quy định giới hạn về diện tích đối với những nhà đầu tư thực hiện dự án cần diện tích lớn”.
Trong khi đó, ông Phan Lê Nguyên-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang-phấn khởi cho biết: Đầu năm 2015, đã có 2 doanh nghiệp đang làm thủ tục thuê 9 ha đất tại cụm CN-TTCN huyện Mang Yang để triển khai dự án, đó là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (7 ha) và Công ty TNHH một thành viên Phát triển bền vững nông lâm nghiệp Lợi Điền (2 ha). Hiện 2 dự án này đang chờ chủ trương của tỉnh.
Nhiều địa phương cũng mạnh dạn thừa nhận công tác tư vấn, hoạch định phương án kinh doanh, sản xuất công nghiệp cho các tổ chức kinh tế còn yếu; việc tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư hạn chế nên chưa kích thích, thu hút các nhà đầu tư tìm đến địa bàn huyện. Do đó, các huyện đã kiến nghị các sở ngành liên quan ngoài việc thực hiện nghiêm túc các thủ tục hành chính, đảm bảo thời gian nhằm giúp cho các doanh nghiệp sớm tiếp cận chủ trương về đầu tư, thuê đất thì cũng tích cực hỗ trợ cùng huyện quảng bá, giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết đến tiềm năng của huyện lợi thế của cụm CN-TTCN.
Minh Dưỡng-Minh Triều