Để bảo vật quốc gia tỏa sáng

Bài 4: Lan tỏa những giá trị đến cộng đồng (tiếp theo và hết)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những năm gần đây, nhiều bảo vật quốc gia đã được đến với cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau: Trưng bày, triển lãm; tạo phiên bản thu nhỏ; ứng dụng công nghệ để giới thiệu, quảng bá… Song, trong 265 bảo vật, vẫn còn nhiều hiện vật "ngủ yên" trong bảo tàng, di tích, trong các bộ sưu tập tư nhân. Thậm chí, còn có những hiện vật phải dầm mưa, dãi nắng. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để bảo vật quốc gia được bảo tồn, phát huy giá trị một cách bền vững.
Tượng Phật A di đà-Bảo vật quốc gia tại chùa Dạm (Bắc Ninh) với phiên bản thu nhỏ bằng đồng dùng làm đồ thờ tự, trang trí, lưu niệm.

Tượng Phật A di đà-Bảo vật quốc gia tại chùa Dạm (Bắc Ninh) với phiên bản thu nhỏ bằng đồng dùng làm đồ thờ tự, trang trí, lưu niệm.

Đa dạng hình thức quảng bá

Bảo tàng Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều Bảo vật quốc gia. Dù chưa hoàn thiện khâu trưng bày, nhưng toàn bộ Bảo vật quốc gia được trưng bày, giới thiệu ở sảnh trung tâm. Ở giữa không gian là trống đồng Cổ Loa, chung quanh là các Bảo vật: Chuông đồng Thanh Mai, long đình gốm Bát Tràng, sưu tầm lưỡi cày đồng… Được trưng bày tại sảnh trung tâm nên bất kỳ khách tham quan nào đến Bảo tàng đều được chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia trước khi đến với các phần trưng bày, giới thiệu khác. Từ cuối năm 2022, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức chuyên đề giới thiệu Bảo vật quốc gia trên không gian số (https://bthn3d.maiatech.com.vn/). 24 hiện vật thuộc bốn nhóm Bảo vật quốc gia được chụp ảnh 3D, với nội dung phong phú, gồm phần giới thiệu tổng quát, các hình ảnh, clip, tư liệu liên quan. Đặc biệt nhất là phần tương tác 3D. Người xem có thể xoay từng hiện vật ở mọi góc độ để quan sát cũng như phóng to để xem từng chi tiết.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ: "Chúng ta đang bước vào thời đại số hóa, mọi người đều dễ dàng tiếp cận đủ loại thông tin thông qua các phương tiện của mình. Chúng tôi coi đây là một cơ hội không thể bỏ qua để quảng bá những giá trị Bảo vật quốc gia, qua đó, quảng bá văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long-Hà Nội". Ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ 3D được nhiều đơn vị triển khai như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Người xem chỉ cần một máy tính hay thiết bị thông minh là có thể "tham quan", khám phá các bảo vật.

Đây chỉ là một trong nhiều hình thức quảng bá Bảo vật quốc gia. Hội quán Di sản - tập hợp của một nhóm kiến trúc sư, nhà thiết kế tâm huyết với bảo tồn di sản đã có sáng kiến "thu nhỏ" một số bảo vật quốc gia Phật giáo, gồm tượng A-di-đà chùa Phật Tích, cột đá chùa Dạm (đều ở Bắc Ninh) để làm vật phẩm thờ cúng trong gia đình, đồ trang trí hay lưu niệm. Kiến trúc sư Trần Thanh Tùng, sáng lập viên Hội quán Di sản cho biết: "Mỹ thuật Phật giáo thời Lý ở đẳng cấp rất cao. Nhưng không phải ai cũng biết điều đó. Với việc làm những phiên bản thu nhỏ, chúng tôi mong muốn đem nét đẹp văn hóa thời Lý, đem giá trị Bảo vật quốc gia gần gũi đến cộng đồng. Chúng tôi làm các phiên bản khác nhau, tùy điều kiện kinh tế mà ai cũng có thể "thỉnh" về, bằng các chất liệu bạc, đồng, composite. Việc tạo ra các phiên bản Bảo vật quốc gia không đơn thuần là "thu nhỏ". Chúng tôi phải điều chỉnh tỷ lệ để khi trưng bày phiên bản thu nhỏ, các hiện vật vẫn tạo ấn tượng thẩm mỹ cao nhất". Phương án tạo ra sản phẩm lưu niệm từ Bảo vật quốc gia được nhiều nhà khoa học ủng hộ bởi cách làm này đem lại giá trị kép giữa văn hóa và kinh tế. Ngoài Hội quán Di sản, một số đơn vị khác cũng triển khai cách làm tương tự. Song, không phải đơn vị nào cũng tạo ra sản phẩm có chất lượng mỹ thuật cao.

Năm 2023 cũng là lần đầu tiên trọn bộ Bảo vật quốc gia được đưa lên lịch, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện. Bộ lịch Bảo vật quốc gia giới thiệu hình ảnh, thông tin về 238 Bảo vật quốc gia (số Bảo vật được công nhận tính đến đầu năm 2022). Những người yêu mến di sản có thể chiêm ngưỡng Bảo vật quốc gia suốt 365 ngày trong năm. Các Bảo vật được giới thiệu một cách khéo léo cùng với các mốc thời gian trong năm. Từ đó, 365 ngày là mảnh ghép giúp tạo nên một bức tranh toàn cảnh về mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đây là cuốn bách khoa tổng hợp về các bảo vật quốc gia và người sở hữu có thể giữ lại từng tờ lịch để đưa vào bộ sưu tập theo chủ đề, nhờ vậy chúng không còn là "xác của thời gian" mà sẽ tiếp tục một đời sống khác.

Ngoài ra, còn nhiều hình thức quảng bá khác như: Đưa bảo vật lên tem thư, tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề…

Để bảo vật quốc gia không "ngủ yên"

Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, Bảo vật quốc gia cần được bảo quản theo một chế độ đặc biệt. Song thực tế, trong khi những Bảo vật quốc gia thuộc quyền quản lý của các cơ quan trung ương, các Bảo tàng, di tích lớn được quan tâm xây dựng chế độ bảo quản, phát huy giá trị tương xứng thì tại nhiều địa phương, nhiều Bảo vật quốc gia không những ít được biết đến mà còn chịu cảnh "phơi nắng, phơi sương" dẫn đến xuống cấp. Điển hình trong số này là cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh). Cột đá chùa Dạm nằm trong quần thể Đại Lãm Tự, một đại danh thắng thời Lý, nay đã trở thành phế tích. Sau khi trở thành Bảo vật quốc gia, cột đá chùa Dạm vẫn chưa nhận được biện pháp bảo quản nào và thời gian tiếp tục phủ rêu phong, bào mòn hiện vật. Thậm chí, năm 2022, người dân tự ý gắn "dị vật" lên Bảo vật quốc gia này, với việc tạo một ban thờ vào phần chân đế cột đá. Cơ quan chức năng buộc phải vào cuộc để tháo dỡ. Những hiện vật nằm trong di tích có nhiều khách tham quan lại đối mặt với một vấn đề khác là sự tác động của con người. Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) thường xuyên đối mặt với nạn "xoa đầu rùa". Trong khi đó bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Quán Thánh thì bị người dân cầm tiền xoa đến nhẵn bóng bàn chân Đức Thánh trước khi xoa lên mặt…

Đối với những bảo vật quốc gia ngoài trời mà điều kiện không cho phép xây nhà để che mưa, che nắng, các nhà khoa học đề xuất cơ quan quản lý tham khảo việc bảo tồn Long sàng tại đền thờ Đinh Tiên Hoàng (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Sau khi tham khảo ý kiến các nhà khoa học, ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình đã quyết định phủ nano thay vì cho vào trong "lồng kính" hay xây mái che. Cách làm này giúp cho khách tham quan vẫn được tận mắt chiêm ngưỡng bảo vật mà không có thêm những hạng mục kiến trúc ảnh hưởng đến không gian của đền thờ. Ngoài những hiện vật bị phơi nắng, phơi sương, còn không ít hiện vật lại "ngủ quên" tại các bảo tàng, khu di tích do chưa được quan tâm đúng mức.

Để Bảo vật quốc gia được gìn giữ bền vững cho mai sau, được lan toả giá trị đến công chúng, các đơn vị, cá nhân phụ trách quản lý, hoặc sở hữu hiện vật cần xây dựng kế hoạch bảo quản, khai thác, phát huy giá trị ngay từ khi xây dựng hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia. Phó Giáo sư Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ: "Một khi đã xây dựng hồ sơ để Nhà nước công nhận hiện vật là Bảo vật quốc gia thì các đơn vị chủ quản phải có ý thức. Nhưng phần lớn là chạy theo danh hiệu, chỉ muốn có công nhận là Bảo vật quốc gia, còn trách nhiệm đi kèm theo quy định pháp luật thì chưa được chú ý thực hiện một cách nghiêm túc". Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa của Bảo vật quốc gia, nếu không bảo quản, khai thác hợp lý, thì chúng ta đang có lỗi với cả quá khứ và tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.