Để Bảo vật quốc gia tỏa sáng

Bài 1: Những giá trị văn hóa-lịch sử tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau 11 lần được Thủ tướng Chính phủ công nhận, đến nay, cả nước hiện có 265 Bảo vật quốc gia. Về lịch sử, Bảo vật quốc gia gắn với những sự kiện quan trọng nhất, có tính bước ngoặt trong lịch sử đất nước. Về văn hóa, đó là những hiện vật kết tinh tinh hoa văn hóa của các thời đại. Nhiều hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp danh nhân, Anh hùng dân tộc. Bởi thế, có thể coi các Bảo vật quốc gia là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử-văn hóa đất nước.
Những chiếc trống đồng - tinh hoa của văn hóa Đông Sơn được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Những chiếc trống đồng - tinh hoa của văn hóa Đông Sơn được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Minh chứng cho bề dày lịch sử

Là một quốc gia có bề dày lịch sử-văn hóa, Việt Nam sở hữu kho di sản hết sức đồ sộ in dấu nhiều nền văn hóa phát triển rực rỡ. Ở miền bắc là văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt, miền trung có văn hóa Chăm-pa, văn hóa Sa Huỳnh, miền nam nổi bật có văn hóa Óc Eo. Trong dòng chảy ấy, có những di tích, di vật có tầm quan trọng đặc biệt, mang dấu ấn đặc biệt và cũng cần chế độ bảo quản đặc biệt. Đó là lý do từ năm 2012, Chính phủ thực hiện chính sách công nhận Bảo vật quốc gia. Sau 11 đợt tổ chức công nhận, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 265 Bảo vật quốc gia.

Về mặt thời gian, các hiện vật là Bảo vật quốc gia có niên đại trải dài trên một khoảng thời gian lên đến 800 nghìn năm. Nhóm hiện vật được công nhận có niên đại sớm nhất là nhóm công cụ đá An Khê (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai), niên đại 800 nghìn năm cách ngày nay. Đây là dấu tích đầu tiên về sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu những công cụ đá đánh dấu sự xuất hiện của con người trên lãnh thổ Việt Nam thì những hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn (bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII trước Công nguyên) lại gắn với sự xuất hiện đầu tiên của nhà nước thời kỳ sơ khai, nhà nước Văn Lang với các Vua Hùng - buổi bình minh lịch sử dân tộc Việt. Thời đại Hùng Vương để lại một kho tàng đồ sộ những hiện vật, từ dụng cụ lao động cho đến binh khí, nhạc khí, trang sức… Nhưng chỉ những hiện vật tiêu biểu nhất được "lọt" vào danh sách Bảo vật quốc gia, thí dụ như các trống đồng: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Kính Hoa… cây đèn hình người quỳ hay kiếm ngắn tìm thấy ở núi Nưa (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa)… Trong đó, trống đồng Ngọc Lũ được coi là điển hình cho vẻ đẹp hoàn mỹ mang tính thời đại. Trung tâm mặt trống là một ngôi sao nổi 14 cánh. Mặt trống, tang trống là một "bộ sưu tập" họa tiết, hoa văn, các trang trí chim thú, con người, cuộc sống… được bố trí theo vòng tròn đồng tâm là ngôi sao nổi. Những trang trí này cho chúng ta hiểu thêm về cuộc sống thời xưa với những hình người giã gạo, đánh trống, người chèo thuyền, bắn cung, cầm giáo… Những họa tiết đúc li ti cũng cho thấy một trình độ luyện kim rất cao, kiến thức phong phú về tỷ lệ pha chế kim loại, về kỹ thuật tạo khuôn và cả thao tác đúc đồng.

Trống đồng Ngọc Lũ

Trống đồng Ngọc Lũ

Sự đa dạng của những nền văn hóa

Nếu về thời gian, chúng ta có thể tự hào lãnh thổ Việt Nam là một trong những nơi loài người xuất hiện sớm, xây dựng nền văn minh từ rất sớm thì sự phân bố về mặt không gian lại cho thấy sự đa dạng văn hóa. Ở miền bắc, các Bảo vật quốc gia gắn liền với sự phát triển của dân tộc Việt, sự ra đời, phát triển của nhà nước Văn Lang - văn hóa Đông Sơn. Sau nghìn năm Bắc thuộc, nhà nước phong kiến Đại Việt, văn hóa Đại Việt ra đời. Đây là nền văn hóa có sự phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ không bị gián đoạn. Những Bảo vật quốc gia tiêu biểu của nền văn minh Đại Việt thể hiện rõ đặc điểm là sự tổng hòa văn hóa bản địa, song song giao lưu với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Chăm-pa… Tiêu biểu cho sự giao lưu văn hóa Trung Hoa là 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Nho giáo), tượng Trấn Vũ tại đền Quán Thánh (Đạo Lão) hay đền Trấn Vũ (đều ở Hà Nội). Trong khi đó, văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến Đại Việt chủ yếu thông qua Phật giáo. Bức tượng A-di-đà tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) có phần bệ tượng được chạm khắc trên đá tinh tế như thêu hoa, dệt gấm; hay bức Phật bà nghìn tay, nghìn mắt tại chùa xứng đáng là kiệt tác đại diện cho văn hóa Việt Nam.

Cùng khoảng thời gian với văn hóa Đông Sơn, dải đất duyên hải miền trung từ Quảng Bình đến Phú Yên là nơi ghi dấu tích nền văn hóa một thời hưng thịnh, đó là văn hóa Sa Huỳnh. Những giá trị nổi bật còn lưu lại của văn hóa Sa Huỳnh được thể hiện qua bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh có niên đại cách nay khoảng 3.000 năm. 18 bình hình lọ hoa được làm bằng kỹ thuật nặn tay, kết hợp dải cuộn với chất liệu đất sét được lọc kỹ pha cát mịn. Đây là di sản văn hóa của người Sa Huỳnh cổ được tìm thấy khi khai quật di tích khảo cổ Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Văn hóa Sa Huỳnh kết thúc vào thế kỷ 2 sau Công nguyên. Những dấu tích về văn hóa Sa Huỳnh đã ngủ yên, mãi đầu thế kỷ 20 mới được khám phá. Song nhiều thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh được người Chăm kế thừa, xây dựng nên văn hóa Chăm-pa với địa bàn trải dọc ở các tỉnh khu vực trung và nam Trung Bộ.

Các di sản văn hóa Chăm-pa còn lại đến ngày nay phần lớn đều liên quan đến tín ngưỡng tôn thờ các vị thần Ấn Độ giáo. Trong những Bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Chăm-pa, đài thờ đá Mỹ Sơn E1 (Thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam) là một trong những hiện vật đem lại cho chúng ta nhiều thông tin nhất. Đây là đài thờ Chăm-pa duy nhất miêu tả cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Ấn Độ giáo cùng cảnh tượng thiên nhiên, động vật một cách chi tiết. Đây là cứ liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc, kiến trúc của văn hóa Chăm-pa.

Xa hơn nữa về phương nam, đồng bằng Nam Bộ từng có nền văn hoá Óc Eo nổi tiếng. Văn hóa Óc Eo lấy theo tên một địa danh thuộc huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Những bảo vật quốc gia nổi tiếng của văn hóa Óc Eo phải kể đến như: Tượng Phật gỗ Giồng Xoài - hiện vật có niên đại thế kỷ IV-VI; Bộ linga-yoni bằng kim loại vàng, đồng thau, phát hiện ở khu di tích Đá Nổi (Phú Hòa, An Giang); Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc được chạm khắc nổi hình Phật trên mặt một khối đá granite lớn... Văn hóa Óc Eo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ, nhưng lại mang sắc thái riêng, khi Ấn Độ giáo hay Phật giáo đều không thể hiện ưu thế tuyệt đối.

Sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa lớn của văn hóa Đại Việt, Chăm-pa, Óc Eo, Sa Huỳnh là minh chứng rõ nét, thuyết phục cho thấy đất nước Việt Nam là "ngã ba" của giao lưu văn hóa quốc tế. Bản thân những nền văn hóa ấy cũng giao lưu, tương tác để trở nên phong phú hơn. Dù chịu ảnh hưởng của dòng văn hóa nào, thì dòng chủ lưu vẫn là văn hóa bản địa tiếp nhận rồi cải biến cho phù hợp. Điều đó tạo nên một bản sắc văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng mà các Bảo vật quốc gia là những thí dụ điển hình.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.