Để bảo vật quốc gia tỏa sáng

Bài 2: Lưu giữ những bí mật thiên niên kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lịch sử mỗi dân tộc, quốc gia luôn trải qua những giai đoạn thăng trầm. Để tìm về quá khứ, những pho sách khô khan là không đủ. Lịch sử trở nên sống động từ những hiện vật còn sót lại qua năm tháng. Hệ thống bảo vật quốc gia chính là những pho sử sống, là những hiện vật lịch sử tiêu biểu nhất cho từng giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc.

Bảo vật "kể chuyện" ngàn xưa

Trong 265 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, có một bộ sưu tập hiện vật làm thay đổi nhận thức của giới khoa học về lịch sử giai đoạn cổ xưa nhất ở Việt Nam, đó là bộ sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Bộ sưu tập gồm 10 hiện vật đá, gồm: bốn chiếc rìu tay, năm công cụ mũi nhọn và một chiếc rìu ghè một mặt. Những hiện vật này được phát hiện, nghiên cứu từ năm 2014 đến 2019. Nếu như trước đây, thời điểm mở đầu cho sự xuất hiện của người đứng thẳng ở Việt Nam là khoảng 500 nghìn năm cách ngày nay, với các dấu tích khảo cổ ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) thì những hiện vật, công cụ đá ở An Khê có tuổi đời khoảng 800 nghìn năm. PGS Nguyễn Khắc Sử - Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: "Lịch sử một dân tộc bắt đầu từ lúc dấu tích lâu đời nhất mà con người ở quốc gia đó xuất hiện. Ở Việt Nam, dấu tích cổ xưa nhất của người Việt nằm ở An Khê (Gia Lai)". Nhiều chuyên gia đánh giá, đây chính là mốc lịch sử có tính bước ngoặt, thay đổi nhận thức về khởi đầu của người Việt.

Giới trẻ chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia.

Giới trẻ chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia.

Hiểu quá khứ chính là nền tảng vững chắc để hướng tới tương lai. Để tìm về quá khứ, những trang sử khô khan chưa bao giờ là đủ. Đã từng có thời gian dài, thời đại Hùng Vương chỉ được biết đến qua những dòng sử sách hết sức vắn tắt. Những hiện vật khảo cổ học về văn hóa Đông Sơn là lời xác thực bằng vật chất cho những dòng sử sách đó, bổ sung một nguồn tư liệu quý giá về đời sống vật chất, tinh thần cư dân thời đại này. Tinh hoa của thời đại Đông Sơn hội tụ ở những chiếc trống đồng. Những chiếc trống đồng không chỉ là đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật mà còn "kể" những câu chuyện khác. Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết: "Nhiều người vẫn hiểu trống đồng là một nhạc khí, do dựa vào văn bản người Hán ghi chép sau thời Đông Sơn hàng trăm năm. Trống đồng mang ý nghĩa rộng lớn hơn thế rất nhiều. Ngôi sao ở giữa mặt trống là hình tượng mặt trời, các vòng tròn đồng tâm với các hoa văn, người, vật… chung quanh thể hiện vũ trụ quan của người Việt cổ, gồm ba tầng, bốn thế giới. Người có thể đứng ra đúc trống đồng là người "thông Thiên Địa", là người nắm được thiên hạ. Thủ lĩnh cao nhất là người đứng ra đúc trống đồng, các bộ lạc nhận trống đồng của thủ lĩnh ban tức là quy phục, chấp thuận sự lãnh đạo. Đây là một hình thức quyền trượng dưới thời đại Hùng Vương - nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc".

Cũng thuộc về văn hóa Đông Sơn, truyền thuyết nỏ thần của Thục Phán An Dương Vương không chỉ là truyền thuyết. Tại chính kinh đô Cổ Loa xưa, các nhà khoa học tìm thấy kho mũi tên đồng và những bộ khuôn đúc mũi tên đồng. 11 hiện vật là khuôn đúc mũi tên, mũi lao đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Những khuôn đúc này bằng đá, có khuôn đúc gồm ba mảnh ghép để đúc mũi tên ba cạnh. Như thế, thành Cổ Loa không chỉ là trung tâm chính trị, quân sự mà còn là trung tâm sản xuất vũ khí. Những cứ liệu này cho thấy, truyền thuyết về nỏ thần phần nào phản ánh trình độ kỹ thuật quân sự dưới thời An Dương Vương.

Lịch sử dài dặc, các triều đại là những con sóng phế hưng, chưa kể đất nước bao lần chứng kiến nạn binh đao. Thời gian đã phá hủy những gì người xưa kiến tạo. Đến Hoàng thành Thăng Long - kinh đô của nước Đại Việt suốt tám thế kỷ, cũng rất khó để hình dung quy mô của lầu gác, cung điện khi hầu như tất cả đã nằm trong lòng đất. Song, chỉ một chiếc đầu rồng thời Trần trang trí mái tìm được qua các đợt khảo cổ cũng giúp chúng ta hình dung về cung điện xưa. Chiếc đầu rồng này là khối tượng tròn, cao tới 60cm. Đầu rồng thể hiện rồng ở tư thế chuyển động, bờm và mào nhiều khúc uốn lượn, có mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu... Ngoài kỹ thuật chế tác tinh xảo thì theo các nhà khoa học, để đỡ được những cấu kiện trang trí lớn như chiếc đầu rồng này, thì cần một hệ mái vô cùng đồ sộ. Nhiều bảo vật quốc gia là những bia đá, hay hiện vật có minh văn (chữ viết). Do đó, bảo vật quốc gia chính là kho tư liệu đồ sộ.

Thành bậc đá điện Kính Thiên (nơi thiết triều thời Lê, Hoàngthành Thăng Long), bảo vật quốc gia ghi dấu sự hưng thịnh của các triều đại phong kiến.

Thành bậc đá điện Kính Thiên (nơi thiết triều thời Lê, Hoàngthành Thăng Long), bảo vật quốc gia ghi dấu sự hưng thịnh của các triều đại phong kiến.

Vẫn còn nhiều bí mật cần khám phá

265 bảo vật quốc gia thuộc nhiều chủng loại từ hiện vật cung đình, cho đến tôn giáo, gắn với các danh nhân, hay công cụ trong cuộc sống hằng ngày; thuộc nhiều chất liệu và đến từ nhiều nền văn hóa, từ tiền sử, sơ sử cho đến thời hiện đại. Đó vẫn là kho kiến thức cần được giải mã để chúng ta hiểu thêm về quá khứ. Điển hình như pho tượng đầu rắn, nhưng chân có móng vuốt như rồng ở tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Hiện nay, vẫn song song tồn tại hai quan điểm: Bức tượng thể hiện sự hàm oan của Thái sư Lê Văn Thịnh khi ông từng bị khép tội mưu sát vua Lý Nhân Tông, trong vụ án trên hồ Dâm Đàm. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, quan điểm pho tượng đá có liên quan đến cuộc đời Thái sư Lê Văn Thịnh xuất hiện rất muộn, vậy nên có thể khiên cưỡng nếu ghép hai yếu tố này. Niên đại của rồng đá (hoặc xà thần) cũng là điều chưa hoàn toàn thống nhất. Song, pho tượng trở thành bảo vật quốc gia bởi mang hình tượng độc đáo này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Rõ ràng, những bí ẩn này cần tiếp tục được nghiên cứu, khai mở.

Sự phát triển của một nền văn hóa không phải lúc nào cũng là một dòng chảy liên tục. Điển hình trong đó là nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo, từng hưng thịnh, rồi suy tàn chìm trong quên lãng nhiều thế kỷ. Văn hóa Óc Eo với vương quốc cổ Phù Nam, nằm ở vùng Nam Bộ ngày nay. Nền văn hóa Óc Eo được phát hiện lần đầu từ một cuộc khảo cổ năm 1944 (cánh đồng Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Kể từ đó, những bí ẩn về nền văn hóa Óc Eo mới được dần khai mở. Vương quốc Phù Nam đã từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên. Trong hàng triệu hiện vật khảo cổ tìm được thuộc nền văn hóa Óc Eo, nhiều hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Song, chính sự đứt gãy văn hóa, việc chìm sâu trong lòng đất trong thời gian hơn 10 thế kỷ khiến các nhà khoa học mới chỉ nhận thức được một phần rất nhỏ giá trị của các bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Thí dụ điển hình trong trường hợp này là chiếc nhẫn vàng có hình bò thần được đúc nguyên khối, có niên đại từ thế kỷ 5. Bò thần Nandin vốn là vật thiêng để cưỡi của thần Shiva. Dù đây là hiện vật thuộc loại đẹp nhất trong các hiện vật vàng của Óc Eo nhưng những bí ẩn liên quan đến người sử dụng, mục đích sử dụng vẫn đang chờ giải mã. Tương tự như thế là những hiện vật gốm của văn hóa Sa Huỳnh-nền văn hóa từng phát triển rực rỡ rồi suy tàn ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Chính những bí ẩn ấy càng đòi hỏi những bảo vật quốc gia này cần một chế độ bảo quản nghiêm ngặt, để các nhà khoa học tiếp tục giải mã, mở cánh cửa trở về quá khứ xa xưa.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.