Bài 1: Mía cháy, nỗi lo thường nhật của nhà nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không như vụ trước, bước vào mùa thu hoạch năm nay, vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh Gia Lai thường xuyên đối mặt với hỏa hoạn. Bất chấp nỗ lực của doanh nghiệp và nông dân, một số cá nhân đã cố tình đốt mía với mục đích trục lợi bất chính, thay đổi lịch thu mua của nhà máy.   

Mất hàng trăm triệu đồng chỉ sau một đêm ngủ

Dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng rẫy mía non rộng hơn 7 ha của ông Trần Văn Sinh, thôn Thanh Trang 2A, xã Ia Peng bị “giặc lửa” thiêu rụi khiến năng suất, sản lượng chỉ còn khoảng 30%. Mặc dù rẫy mía của ông Sinh được Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai thu mua toàn bộ nhưng gia đình ông cũng chỉ thu được gần 200 tấn nguyên liệu. Quá tiếc của, ông Sinh bức xúc: “Gia đình tôi dồn tiền của và công sức cho ruộng mía nhưng rồi chỉ trong một đêm, cả ruộng mía non chỉ còn vớt vát được 180 triệu đồng, trừ công đốn mía cháy nữa nên có lẽ năm nay gia đình hết ăn Tết”.

Rẫy mía cháy đang tập kết chờ nhà máy thu mua. Ảnh: Thanh Luận
Rẫy mía cháy đang tập kết chờ nhà máy thu mua. Ảnh: Thanh Luận
Cũng theo ông Sinh, nếu ruộng mía của ông không bị cháy, vụ ép này ông có thể thu được khoảng 580-600 tấn mía nguyên liệu. Không chỉ riêng ông Sinh, nhiều hộ trồng mía ở các thôn làng lân cận như Plei Pông, Plei Rơk, thôn Kim Tân, Chư Jú… xã Ia Peng cũng liên tục bị cháy. Chỉ riêng trong ngày 25-11 vừa qua, ruộng mía 3 ha của chị Vũ Thị Hoa, làng Chư Jú, xã Ia Peng bị đốt cháy và lan ra thiêu rụi cả ruộng mía gần 4 ha của chị Đặng Thị Toán bên cạnh.


Được biết, tại các ruộng mía cháy, ngay sau khi được các hộ nông dân báo cáo, lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện đã sắp xếp lại lịch thu mua nhằm giúp nông dân hạn chế phần nào thiệt hại. Tuy nhiên, trong khi thời vụ ép còn kéo dài trong 4-5 tháng tới, nạn mía cháy bất chợt trở thành nỗi lo của hàng nghìn hộ nông dân phía Đông tỉnh Gia Lai.

“Giặc lửa” hay thủ thuật của tư thương?

Trong khi nạn cháy mía trở thành nỗi lo thường trực của nông dân vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh Gia Lai thì hầu hết các vụ cháy mía đều xuất phát từ hoạt động vô ý của nông dân. Vừa bước vào thời gian đầu vụ ép, trên địa bàn các huyện Phú Thiện, Ia Pa… nạn mía cháy đã liên tiếp xảy ra. Mặc dù người trồng mía thường hay đốt lá mía ngay sau khi thu hoạch để tận dụng tro, cải thiện đất cho vụ sau. Nhưng do chủ quan, họ thường bỏ về nhà ngay khi phóng lửa vì cho rằng “có đường ranh cản lửa, mía rẫy bên cạnh sẽ không cháy”! Cũng vì một chút sơ sẩy này, nhiều diện tích mía bị cháy lan không kịp khống chế.   

Ông Nguyễn Văn Lừng- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai cho biết: Mặc dù chỉ vừa bước vào vụ ép, thời tiết vẫn đang còn mưa nhưng đã có 18,6 ha mía do Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đầu tư tại xã Ia Peng và Ia Sol, huyện Phú Thiện đột ngột bốc cháy. Được biết, tình trạng mía cháy xảy ra ngay cả khi thời tiết còn mưa, ruộng còn lầy lún và đa số cháy từ giữa ruộng cháy ra với dấu hiệu được cố tình đốt nhiều lần. Theo phản ánh của người dân đây là do một số người phá hoại nhằm gây tâm lý hoang mang cho nông dân tạo điều kiện thu gom mía nguyên liệu được dễ dàng hơn. Mới đây nhất nhiều tư thương từ các Nhà máy Đường Cam Ranh, Kon Tum, Bình Định… đã đến tiếp xúc và tìm mọi cách để thu mua mía ngay trên vùng nguyên liệu của doanh nghiệp tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.

Dựng chòi canh mía cháy

Trước tình trạng mía cháy đang có chiều hướng lan rộng, tiềm ẩn những động cơ trục lợi không lành mạnh, Công ty Cổ phần Mía đương- Nhiệt điện Gia Lai phối hợp với chính quyền các địa phương có diện tích mía thường xuyên bị cháy, yêu cầu các hộ nông dân trồng mía hợp đồng với nhà máy tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống mía cháy tại vùng nguyên liệu rộng 6.840 ha này.

Chòi canh rẫy mía của đội PCCC mía xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Ảnh: Thanh Luận
Chòi canh rẫy mía của đội PCCC mía xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Ảnh: Thanh Luận
Với nguồn kinh phí 750 triệu đồng, doanh nghiệp 50% nhà nông 50%, phương án PCCC mía đang được các hộ trồng mía tại 2 xã Ia Peng và Ia Sol, huyện Phú Thiện đóng góp mỗi hộ 200 nghìn đồng chung tay cùng Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như xe ô-tô, bồn nước, máy bơm, hệ thống ống nước, xây dựng chòi canh, mua ống nhòm… và thành lập đội PCCC mía với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Phương án này đang được triển khai tại cánh đồng mía Thanh Trang 2A, Thanh Trang 2B, Bản Lê, Bình Trang 2, xã Ia Peng và Thắng Lợi 1, Thắng Lợi 2 và Suối Cạn, xã Ia Sol. Đây là 2 xã trọng điểm nạn mía cháy ở huyện Phú Thiện.


Ông Đinh Văn Chinh- Chủ tịch UBND xã Ia Sol, huyện Phú Thiện cho biết: Xã Ia Sol có diện tích mía hơn 960 ha nên khi Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai trao đổi về phương án PCCC mía, chính quyền và nhân dân xã đồng tình ủng hộ ngay. Hiện UBND xã đã xây dựng đội PCCC mía với thành viên 10 người gồm lực lượng Công an và Xã đội do Trưởng Công an xã làm đội trưởng và đã dựng chòi canh lửa thay phiên nhau trực 24/24h trong suốt 5 tháng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Bước đầu, lực lượng Công an xã Ia Sol đã xác định 2 đối tượng khả nghi đốt mía để ép nông dân bán mía non và báo cáo tình hình lên Công an huyện Phú Thiện.

Trước thực trạng mía cháy liên tục và ngày càng phức tạp trong những vụ ép gần đây, trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Lừng cho biết: Doanh nghiệp rất hiểu khó khăn của người trồng mía trước nỗi lo mía cháy. Vấn nạn này gây thiệt hại rất lớn cho nông dân lẫn doanh nghiệp thu mua. Những hộ nông dân bị mía cháy sẽ thiệt từ 10-12 triệu đồng/ha do mất sản lượng khi mía khô, mất phẩm chất, công đốn hạ thu hoạch tăng cao…

Đối với doanh nghiệp thì phải thay đổi, thậm chí đảo lộn cả kế hoạch thu mua nguyên liệu rải vụ đồng thời cùng chia sẻ với nhà nông chấp nhận mía kém phẩm chất, chữ đường thấp gây khó khăn cho việc tinh luyện, sản xuất đường thành phẩm.

Bên cạnh đó, những ruộng mía cháy còn gây tâm lý hoang mang trong nông dân và dẫn đến tình trạng nông dân sẵn sàng bán mía cho tư thương khi họ dạm hỏi mua vì sợ… mía cháy! Điều này gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của nhà máy khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư.

Thanh Luận

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.