(GLO)- Mặc dù đôi chân bị liệt do tai nạn lao động nhưng anh Phạm Ngọc Thịnh (SN 1986, tổ 4, thị trấn Chư Sê) vẫn không khuất phục trước số phận mà nỗ lực vươn lên bằng nghề trồng nấm. Không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho bản thân, anh Thịnh còn kết nối, hướng dẫn cách trồng nấm cho nhiều người cùng cảnh ngộ.
Vượt qua số phận
Anh Thịnh từng khỏe mạnh, lành lặn như bao người khác và có thu nhập ổn định từ nghề mộc. Thế nhưng năm 2014, trong lần đi làm trần gỗ cho khách, giàn giáo bị sập, tai nạn khiến cuộc sống anh Thịnh bị đảo lộn. Dù tích cực điều trị 1 năm ở TP. Hồ Chí Minh song do bị chấn thương cột sống đã khiến đôi chân anh Thịnh vĩnh viễn không thể đi lại bình thường. “Từng là trụ cột của gia đình lại thành người khuyết tật, tôi vô cùng chán nản. Nhưng nhìn 2 đứa con đang tuổi ăn học, vợ thì vất vả lo toan, tôi đã lấy lại tinh thần, cố gắng tập luyện để phục hồi sức khỏe”-anh Thịnh nhớ lại.
Số tiền dành dụm nhiều năm đã dùng hết vào việc chữa trị cho anh nên cuộc sống của gia đình trở nên khó khăn. Sau khi ra viện, anh Thịnh vào TP. Hồ Chí Minh bán vé số dạo kiếm sống. Cuối năm 2017, anh Thịnh trở về quê hương để kiếm việc làm và quyết định khởi nghiệp từ nghề trồng nấm.
Anh Phạm Ngọc Thịnh kiểm tra các phôi nấm. Ảnh: Thủy Bình |
Lúc đầu, anh mua 50 phôi nấm về trồng thử nghiệm, học cách chăm sóc. Được một chủ trang trại trồng nấm lâu năm ở huyện Chư Pưh hướng dẫn kỹ thuật nên công việc của anh Thịnh thu được kết quả tốt. Khi đã nắm vững kỹ thuật, anh Thịnh mua 2.000 phôi nấm sò trắng, nấm bào ngư về trồng. Di chuyển bằng xe máy 3 bánh hoặc xe lăn khiến việc lao động gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Thịnh vẫn không hề nản chí.
Hiện tại, anh Thịnh sở hữu trang trại với 10.000 phôi nấm. Mỗi lứa phôi cho thu khoảng 3-4 tháng, 1 tháng thu hoạch 2 lần. Nấm sò trắng được bán với giá 20.000 đồng/kg, nấm bào ngư bán với giá 35.000 đồng/kg. Trang trại trồng nấm của anh Thịnh cho thu hoạch trên 80 triệu đồng/năm.
Giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Thịnh tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho những người khuyết tật như anh Nguyễn Thanh Phê (thôn Mỹ Phú, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) đang sở hữu trang trại với 5.000 phôi nấm; anh Nguyễn Trọng Hữu (thôn 12, thị trấn Chư Sê) sở hữu trang trại 10.000 phôi nấm.
Hiện nay, anh Phạm Ngọc Thịnh (bìa phải) cùng anh Nguyễn Thanh Phê đều có thu nhập ổn định từ nghề trồng nấm. Ảnh: Thủy Bình |
Anh Nay Winh-Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê: Lành lặn khởi nghiệp đã không dễ dàng, với một người khuyết tật như anh Thịnh thì càng khó khăn hơn. Nhưng anh Thịnh đã khởi nghiệp thành công, tạo việc làm cho nhiều lao động. Lối sống tích cực của anh Thịnh đã truyền cảm hứng cho những thanh niên khuyết tật ở địa phương, giúp họ vượt qua sự tự ti, mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. |
Đầu năm 2021, anh Thịnh vay 60 triệu đồng từ Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam kết hợp với số tiền góp vốn của anh Phê, anh Hữu để mở cơ sở sản xuất phôi nấm cung cấp cho anh em trong nhóm và bán cho những người có nhu cầu. Hiện tại, cơ sở này tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương. Đồng thời, anh Thịnh còn nhận bao tiêu sản phẩm nấm cho bà con trên địa bàn thị trấn Chư Sê. Anh Nguyễn Thanh Phê cho biết: “Chúng tôi đều bị tai nạn lao động dẫn đến khiếm khuyết cơ thể, từng rất chán nản, bi quan trong cuộc sống. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của anh Thịnh mà tôi đã vượt qua mặc cảm của bản thân, có thu nhập ổn định từ nghề trồng nấm”.
Ngoài tạo việc làm, anh Thịnh còn thường xuyên tặng quà, thăm hỏi những thanh niên cùng cảnh ngộ và các em nhỏ có số phận thiệt thòi. Tháng 12-2021, anh Thịnh là 1 trong 50 tấm gương khuyết tật tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Anh Thịnh chia sẻ: “Tham gia chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, tôi biết nhiều tấm gương khuyết tật nặng, phải nằm liệt giường nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, khởi nghiệp bằng nhiều cách khác nhau. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi luôn động viên anh em khuyết tật cố gắng hơn nữa để vượt qua rào cản, mặc cảm của bản thân. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng mở rộng cơ sở sản xuất phôi nấm, tạo thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ”.
THỦY BÌNH