"Ăn theo" Tp. Thủ Đức và sân bay Long Thành: Sốt đất từng ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơn sốt đất chạy theo thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức (TPHCM) hay khởi công sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang ngày càng tăng nhiệt. Việc sốt đất tại những khu vực này đang khiến nhiều người dễ gặp rủi ro khi mắc bẫy của các đối tượng “cò”.

Địa phận của Thành phố mới Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Gia Miêu
Địa phận của Thành phố mới Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Gia Miêu
Giá đất tăng chóng mặt
Có thể nói khắp các con đường, các quán cà phê ở các khu vực thuộc Thành phố Thủ Đức đâu đâu cũng đều bàn tán chuyện săn lùng nhà đất. Sau khi chính thức thành lập Thành phố Thủ Đức, giá đất ở khu vực phường Trường Thọ (thuộc quận Thủ Đức cũ) và các khu vực phụ cận tiếp tục tăng chóng mặt lên tới ngưỡng từ 70-90 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất ở các trục đường chính như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (quận 9 cũ) cũng có bước nhảy vọt, những khu vực còn lại cũng tăng lên mức 30-60 triệu đồng/m2, tăng khoảng 15-20% so với đầu năm 2020.
Vào khoảng tháng 6.2020, giá đất ở khu vực Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) nằm mức khoảng 60-70 triệu đồng/m2 nhưng đến nay đã có nhiều lô đất được treo bảng rao bán từ 100-140 triệu đồng/m2. Với loại nhà phố, trong khi ở khu trung tâm TPHCM có giá nhà giảm 3% vì tình hình dịch bệnh thì tại Thành phố Thủ Đức vẫn ghi nhận tăng gần 7%-10% so với cùng kỳ. Với loại hình căn hộ, mức tăng giá các quận thuộc khu Đông vào khoảng 8%, trong khi khu trung tâm TPHCM chỉ 5%.
Cùng với Thành phố Thủ Đức (TPHCM), khu vực sân bay Long Thành (Đồng Nai) cũng đang diễn ra sốt đất từng ngày. Dù sân bay Long Thành chỉ vừa mới bắt đầu khởi công, hay các dự hạ tầng giao thông kết nối với sân bay chỉ đang trong quá trình triển khai, nhưng "cò" đất đã đẩy giá tăng chóng mặt. Đơn cử như các khu vực thuộc các xã gần với vị trí đặt sân bay là Bàu Cạn, Bình Sơn hay Lộc An thuộc huyện Long Thành, các hoạt động môi giới nhà đất đang hoạt động nhộn nhịp. Hàng loạt biển quảng cáo mua bán nhà đất, tờ rơi rao bán đất, nhận ký gửi nhà đất được dán chằng chịt, chồng lên nhau ở các cột điện, gốc cây hai bên đường...
Về giá bán thì mức giá lâu nay chỉ từ 3-3,5 tỉ đồng cho một sào (1.000m2 đất). Tuy nhiên, hiện tại, mức giá trung bình được ghi nhận khoảng 5-6,5 tỉ đồng/sào. Đối với những khu đất có vị trí và gần đường lớn được rao bán với mức giá hơn 7 tỉ đồng/sào.
Không chỉ khu vực sát sân bay Long Thành mới xảy ra tình trạng “sốt ảo” mà ngay cả nhiều xã ở xa, không liên quan đến những công trình trọng điểm, giới đầu cơ và “cò” đất vẫn dùng đủ chiêu để tạo ra những cơn sốt về giá đất.
Theo một số "cò" đất ở khu vực này, mặc dù giá tăng cao nhưng chính môi giới phải săn lùng mãi mới có. Lượng khách hàng gom đất với diện tích lớn rất nhiều. Có nhiều người mua đất với diện tích từ vài sào đến hơn cả hécta, với mục đích ôm hàng và chờ tung ra đợt tiếp theo.
Cẩn trọng với các cơn sốt đất
Khung cảnh mua bán đất "ăn theo" dự án sân bay Long Thành hiện nay ở những xã nói trên được các các công ty bất động sản, sàn giao dịch vẽ ra là “mua không kịp sẽ hết” hay “đất siêu lợi nhuận khi sân bay Long Thành khởi công”, thực chất chỉ là chiêu thổi giá đất để tạo “sốt ảo”. UBND huyện Long Thành từng có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cấm mọi hình thức mua bán, làm hạ tầng, tự ý tách thửa... tại địa phương các xã trên địa bàn huyện nhằm ngăn chặn một số đối tượng lừa bán đất dự án cho người dân khi chưa được cấp phép đầu tư.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng phân lô bán nền trái phép. Việc cố tình tạo sốt đất để đẩy giá leo thang là hành động hoàn toàn có chủ đích của một nhóm đối tượng nào đó. Trong đó, đích cuối cùng được các đối tượng này nhắm tới chính là huyện Long Thành.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP DKRA Việt Nam - cho rằng, việc xuất hiện những cơn sốt đất ở thành phố Thủ Đức hay Long Thành là vì có những thông tin mới về sự thay đổi diện mạo tầm vóc của khu vực đó. Cũng chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư tận dụng thông tin trên làm lợi thế gia tăng quảng cáo, thu hút người mua, nhiều dự án nhờ vậy cũng tranh thủ đẩy mặt bằng giá lên một mức mới.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn trọng với các cơn sốt đất này. Đơn cử như với thành phố Thủ Đức, thật ra mặt bằng giá ở khu vực này đã tăng cao từ vài năm trước từ khi nói về câu chuyện khu đô thị phía Đông. Tuy nhiên, nếu không có quy hoạch cụ thể, nơi đây sẽ trở thành một khu đô thị của những người có điều kiện tài chính với giá bất động sản quá cao so với mặt bằng chung của TPHCM. Hiện tại, khu vực giá dự án căn hộ không dưới 40 triệu đồng/m2. Người mua nhà ở vừa túi tiền và nhà ở lần đầu khó có thể chen chân vào khu vực này.
Có thể nói, con số thống kê về tình trạng nhà ở cho người có thu nhập trung bình ở các đô thị lớn đang ở mức thấp đáng báo động. Giải bài toán kinh tế đô thị cho thành phố Thủ Đức là bài toán lớn.
BẢO CHƯƠNG - HỮU HUY (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.