Nhà ở giá thấp có thể là phương án phát triển nhà ở chính của TPHCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguồn cung dự án và nguồn cung căn hộ có giá vừa túi tiền tại TPHCM đang bị sụt giảm. Trong khi đó, đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030” xác định nhà ở giá thấp có thể là phương án phát triển nhà ở chính của Thành phố trong tương lai.
Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030”. Thành phố dự báo nhu cầu nhà ở cho nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đến năm 2025 là hơn 20 triệu m2 sàn và đáp ứng chỗ ở cho hơn 1 triệu người.
Theo đề án, lực lượng lao động trên địa bàn TPHCM chia làm 2 dạng, một phần không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 65%) và một phần đã qua đào tạo chiếm 35% tổng số lao động Thành phố.
Đề án cũng chỉ rõ: Với tỷ lệ cơ cấu lao động như vậy, thu nhập bình quân/người của Thành phố hiện nay phần lớn vẫn ở mức thấp (có đến 75% lao động là người thu nhập thấp). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nhà, do khả năng tích lũy của người lao động thấp, khả năng tiếp cận nhà ở dự án cũng như cải tạo, xây mới nhà ở hiện hữu của họ rất khó khăn. Nhà ở giá thấp có thể là phương án phát triển nhà ở chính của TPHCM trong tương lai.
 
Nguồn cung căn hộ có giá vừa túi tiền tại TPHCM đang sụt giảm. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Nguồn cung căn hộ có giá vừa túi tiền tại TPHCM đang sụt giảm. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Về giải pháp cho nhà ở xã hội, TPHCM tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng NƠXH cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các NƠXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê; Đồng thời, rà soát, bố trí quỹ đất 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha, để thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH cho Thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố xác định vị trí và ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng sản xuất tại các quận huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; quỹ đất do các cơ quan nhà nước hiện đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước; Thành phố sẽ trực tiếp đầu tư xây dựng hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện xây dựng theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất.
 
Nhà ở giá thấp có thể là phương án phát triển nhà ở chính của TPHCM trong tương lai. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Nhà ở giá thấp có thể là phương án phát triển nhà ở chính của TPHCM trong tương lai. Ảnh minh họa: Hữu Huy
Về nguồn vốn, TPHCM ưu tiên bố trí vốn ngân sách, tạo quỹ đất sạch tại các khu vực ngoại thành dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến Metro, các tuyến vành đai để thực hiện các dự án NƠXH, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định để các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn xã hội hóa xây dựng NƠXH cho thuê, quản lý và khai thác theo quy định.
Bên cạnh đó, bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng NƠXH thuộc sở hữu nhà nước, chỉ để giải quyết cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở, không thể thuê NƠXH do doanh nghiệp đầu tư xây dựng; Tăng cường năng lực tài chính cho Quỹ phát triển nhà ở để thực hiện đầy đủ chức năng đầu tư và phát triển NƠXH trên địa bàn Thành phố.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết trong năm 2020 vừa qua, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và làm sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê gần đây của Sở Xây dựng TPHCM, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 đã giảm 34% so với năm ngoái, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm đến 98,7%.
HỮU HUY (LĐO)

https://laodong.vn/bat-dong-san/nha-o-gia-thap-co-the-la-phuong-an-phat-trien-nha-o-chinh-cua-tphcm-869131.ldo

Có thể bạn quan tâm