An Khê tăng tốc đầu tư để trở thành đô thị loại III

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, nhiều tuyến đường trên địa bàn thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) được nâng cấp, góp phần hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại III.
Người dân đồng thuận làm đường giao thông
Nằm trong Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, 15,3 km quốc lộ 19 đi qua thị xã An Khê được nâng cấp, mở rộng. Qua rà soát, có 152 hộ dân ở 5 xã, phường gồm: Song An, Thành An, Ngô Mây, An Phước, An Bình bị ảnh hưởng và phải thu hồi hơn 17 ha đất để mở rộng tuyến đường này. Sau khi chính quyền tuyên truyền, vận động, các hộ dân đã đồng thuận tháo dỡ hàng rào, thu hoạch hoa mùa, bàn giao mặt bằng để thi công.
Gia đình bà Phạm Thị Thu Hoàng (tổ 7, phường An Bình) có hơn 2.000 m2 đất trồng rau màu và cỏ nuôi bò. Khi Dự án nâng cấp quốc lộ 19 được triển khai, gia đình bà có hơn 1.000 m2 đất phải thu hồi và được bồi thường khoảng 300 triệu đồng. Bà Hoàng cho biết: “Vợ chồng tôi có 5 người con. Mảnh đất này chúng tôi chắt chiu nhiều năm mới mua được và mong muốn để lại cho các con. Nhưng nay Nhà nước thu hồi để làm đường, gia đình chấp nhận phương án đền bù để đơn vị thi công giải phóng mặt bằng”.
Gia đình bà Phạm Thị Thu Hoàng (tổ 7, phường An Bình) chấp nhận phương án đền bù, đền bù để đơn vị thi công giải phóng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Minh
Gia đình bà Phạm Thị Thu Hoàng (tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê) chấp nhận phương án đền bù để đơn vị thi công giải phóng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Minh
Tương tự, khi triển khai dự án, toàn bộ căn nhà của gia đình ông Diệp Thế Thành (thôn Thượng An 1, xã Song An) nằm trong hành lang giải phóng mặt bằng. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và có phương án bố trí tái định cư hợp lý, gia đình đã đồng ý phá bỏ ngôi nhà, giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Thành cho hay: “Trước khi thi công, chính quyền địa phương đã trao đổi với gia đình và đưa ra phương án bố trí tái định cư. Gia đình chỉ có nguyện vọng là địa phương giao cho mảnh đất liền kề ngôi nhà cũ theo phương án giao đất có thu tiền”.
Cũng với sự đồng thuận cao, gia đình ông Đỗ Xuân Sỹ (làng Pơ Nang, xã Tú An) cũng đã chủ động tháo dỡ vật kiến trúc, thu hoạch hoa màu để bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường. “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương làm đường giao thông để bà con đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi. Khi dự án hoàn thành, bộ mặt nông thôn cũng sẽ khang trang hơn”-ông Sỹ vui vẻ nói. 
Gia đình ông Đỗ Xuân Sỹ (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) chủ động tháo dỡ hàng rào, cổng ngõ lui vào 2,5 m và dài 15 m, giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công làm đường. Ảnh: Ngọc Minh
Gia đình ông Đỗ Xuân Sỹ (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) chủ động tháo dỡ hàng rào, cổng ngõ lui vào 2,5 m và dài 15 m giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công làm đường. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Võ Anh Tài-Bí thư Đảng ủy xã Tú An, khi triển khai Dự án nâng cấp quốc lộ 19, Đảng ủy xã đã chỉ đạo MTTQ và các tổ chức thành viên, hệ thống chính trị các thôn, làng nằm trên trục đường thi công cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành nghiêm việc giải tỏa hành lang, tháo dỡ vật kiến trúc, hoa màu, tường rào cổng ngõ... để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Do nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân nên việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều thuận lợi. Một số hộ người dân tộc thiểu số còn tự nguyện hiến đất để mở rộng mặt đường theo thiết kế”-ông Tài chia sẻ.
Ngoài Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, từ năm 2016 đến 2021, thị xã An Khê đã thu hồi hơn 758.816 m2 đất để nâng cấp, làm mới khoảng 80 tuyến đường với 671 hộ bị ảnh hưởng, số tiền đền bù hơn 118 tỷ đồng, trong đó, hơn 100 tỷ đồng thuộc ngân sách thị xã, gần 18 tỷ đồng ngân sách tỉnh. Ông Phạm Bảo Trung-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã-cho hay: “Được sự quan tâm chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã cùng sự vào cuộc của các ngành, công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng của địa phương gặp nhiều thuận lợi. Phần lớn người dân chấp nhận phương án đền bù để nhà đầu tư thi công công trình. Những tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ giúp người đi lại thuận lợi mà còn tạo động lực để thị xã dần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III”.
Hướng đến đô thị loại III
Những năm qua, thị xã An Khê tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III. Theo đó, giai đoạn 2017-2021, cùng với nguồn vốn từ trung ương và tỉnh, thị xã đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp 49 tuyến đường nội thị; huy động hơn 42 tỷ đồng để lát vỉa hè bằng gạch block với tổng diện tích 69.311 m2; đầu tư xây dựng được 35,74 km mương, cống thoát nước trên các tuyến đường nội thị.
Được sự đồng thuận của người dân, nhiều tuyến đường trên địa bàn được mở rộng, làm mới, góp phần xây dựng An Khê trở thành đô thị loại III. Ảnh: Ngọc Minh
Được sự đồng thuận của người dân, nhiều tuyến đường được mở rộng, làm mới, góp phần xây dựng An Khê trở thành đô thị loại III. Ảnh: Ngọc Minh
Song song với xây dựng hạ tầng giao thông, từ năm 2017 đến nay, thị xã huy động hơn 13 tỷ đồng (người dân đóng góp 500 triệu đồng) để lắp đặt, thay thế 500 bộ bóng điện led trên 29 tuyến đường, nâng số tuyến đường được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng lên 56 tuyến. Thị xã cũng đã đầu tư khoảng 8,5 tỷ đồng trồng 2.841 cây xanh trên các tuyến đường nội thị, công viên, hoa viên, khu vực công cộng; vận động xã hội hóa lắp đặt điện chiếu sáng tại 157/306 tuyến đường hẻm khu vực nội thị với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. 
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho biết: “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và từng bước hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III. Thời gian tới, thị xã tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để xứng tầm là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

Ayun Pa ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị

(GLO)- Với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực khu vực phía Đông tỉnh và hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025, thị xã Ayun Pa đã huy động các nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, xanh-sạch-đẹp.