Không đóng vẫn thu
Khi tiếp xúc với phóng viên, nhiều công nhân làm việc trong nhà máy tại TPHCM và Bình Dương cho biết, dù hằng tháng Cty vẫn trừ lương song không nộp bảo hiểm. Việc DN không đóng bảo hiểm khiến NLĐ rơi vào khốn khó khi không được giải quyết chế độ cơ bản như ốm đau, thai sản và tai nạn lao động.
Anh Hoàng Nam, từng làm công nhân tại Cty TNHH MT (thành phố Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, đã gắn bó với Cty hơn 13 năm, khi đang sản xuất bình thường, đột nhiên nhận được thông báo đóng cửa nhà máy. “Sau đó tôi mới biết Cty dời đến một nơi khác và bán lại cho một Cty khác đến điều hành. Khi bị mất việc, tôi đi làm thủ tục nhận bảo hiểm thì không được giải quyết với lý do Cty nợ BHXH”- anh Nam nói.
Một trong những Cty ở Bình Dương nợ bảo hiểm nhiều nhất và khó đòi là Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (gọi tắt là Cty Hoàng Sinh). Doanh nghiệp này hoạt động sản xuất đồ gỗ nội thất, đóng tại khu công nghiệp Phú Tân (thành phố Thủ Dầu Một) có khoảng 1.000 lao động, nợ bảo hiểm của NLĐ đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Vụ việc kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của NLĐ. Anh Võ Hoàng Út Oanh (quê Kiên Giang), công nhân làm việc tại Cty Hoàng Sinh cho biết: “Khi công ty nợ lương, một số công nhân chán nản xin nghỉ rồi đi làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp mới biết Cty nợ bảo hiểm nên không được giải quyết. Cty không đóng bảo hiểm nhưng NLĐ vẫn bị trừ vào lương hằng tháng”. Ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, Cty Hoàng Sinh tính đến tháng 12/2024 đang nợ bảo hiểm số tiền hơn 30 tỷ đồng, nợ từ tháng 4/2023 đến nay.
Ông Nguyễn Duy Hiểu cho biết, tình trạng các DN, nhất là DN ngoài quốc doanh chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn việc đóng các loại bảo hiểm theo quy định cho NLĐ vẫn phát sinh do tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Tổng số tiền DN chậm đóng đến nay gần 1.200 tỷ đồng. Đại diện BHXH TPHCM cũng cho biết, hiện có 59.000 DN trên địa bàn nợ hơn 4.500 tỷ đồng BHXH từ 3 tháng trở lên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 800.000 người lao động.
Về hướng xử lý hành vi chây ỳ của doanh nghiệp, lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương cho biết đang phối hợp các cơ quan liên quan để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động. Hiện tại Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương đã tiến hành Thanh tra. Do đó, BHXH tỉnh Bình Dương đang chờ thông báo kết luận của đoàn Thanh tra để thực hiện các bước tiếp theo.
Chưa đủ tính răn đe… doanh nghiệp chây ỳ
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM nhìn nhận, tình trạng nợ BHXH trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm, số nợ BHXH trên địa bàn sẽ được kéo giảm còn khoảng 3.600 tỷ đồng. Trong thời gian tới, BHXH TPHCM sẽ rà soát với cơ quan thuế để kịp thời phát hiện lao động chưa tham gia BHXH, đảm bảo các DN tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH. Đồng thời, tăng cường thanh tra và kiểm tra các DN nhằm chấn chỉnh sai phạm và xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật.
Tại kỳ họp thứ 20 vừa qua, HĐND TPHCM khóa X đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2025”, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó chủ tịch UBND TPHCM đã nêu tình trạng nhiều DN nợ BHXH với số tiền lớn. Tuy nhiên, công tác cưỡng chế xử phạt hành chính đối với các DN trốn đóng BHXH chưa hiệu quả. Từ năm 2020 đến nay, BHXH TPHCM mới cưỡng chế 5 đơn vị bằng việc phong tỏa tài khoản số tiền là 200 triệu đồng.
Trước tình trạng này, các địa phương đề nghị cơ quan Trung ương có hướng dẫn về việc xử lý đối với các DN nợ bảo hiểm theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những DN nợ kéo dài từ 6 tháng trở lên.
Theo Uyên Phương - Hương Chi (TPO)