Dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng 10 quốc gia ASEAN (riêng Myanmar cử Đại sứ tham dự thay) và Bộ trưởng Quốc phòng của 8 nước đối tác, đối thoại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Australia, Nga, Mỹ cùng đoàn đại biểu và đại diện Ban Thư ký ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chào mừng.
Quang cảnh hội nghị. |
Thủ tướng mong muốn hội nghị sẽ bàn bạc và thống nhất những định hướng phát triển của diễn đàn này, nhất là về các lĩnh vực và nội dung hợp tác cũng như các nguyên tắc hoạt động phù hợp để góp phần thiết thực vào nỗ lực chung xử lý những vấn đề an ninh ở khu vực, kể cả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, an ninh và an toàn trên biển, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa thiên tai...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực là nguyện vọng và lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, các nước cần tăng cường đối thoại và hợp tác để tạo dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tích cực xây dựng và chia sẻ những chuẩn mực và quy tắc ứng xử, đặc biệt là tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời chúng ta cần tiếp tục tôn trọng và phát huy các công cụ bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực hiện có của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), Công ước ASEAN về chống khủng bố và các Tuyên bố chung giữa ASEAN với các đối tác...
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất khẳng định: "Lịch sử thế giới hiện đại ít khi chứng kiến việc Bộ trưởng, đại diện Bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới cùng ngồi lại với nhau không phải bàn về chiến tranh mà để cùng nhau chia sẻ và bàn thảo về hợp tác quốc phòng an ninh thiết thực vì hòa bình, ổn định và phát triển, như chúng ta đang chứng kiến ở đây. Chưa từng một Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng nào có một thành phần đặc biệt, với sự hiện diện của các quốc gia có các trình độ phát triển và sức mạnh quân sự đa dạng như hội nghị của chúng ta".
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng nêu rõ với cơ cấu ADMM+8 và thành phần gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại chủ chốt, ADMM+ là một cơ chế hợp tác quốc phòng mang ý nghĩa chiến lược.
Trước hết, đây là một trong những diễn đàn đối thoại, tham vấn chiến lược nhằm xây dựng một nhận thức chung về an ninh khu vực, xây dựng lòng tin, xác định các lĩnh vực hợp tác thiết thực về quốc phòng.
Không những vậy, ADMM+ còn là cơ chế hợp tác ở cấp cao nhất (cấp Bộ trưởng) về quốc phòng của khu vực, có khả năng định hướng và chỉ đạo các chương trình hoạt động thực tiễn nhằm giải quyết có hiệu quả các thách thức an ninh chung, nhất là an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay. Đây cũng là nơi thể hiện sự bình đẳng và có lợi cho tất cả các bên tham gia, đồng thời có vai trò hài hòa quan hệ, xây dựng năng lực và tăng cường quan hệ và tương tác giữa quân đội các nước.
Chủ tịch ADMM+ lần thứ nhất cũng nhấn mạnh những trao đổi và thảo luận ở hội nghị này sẽ góp phần tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên thông qua nâng cao hiểu biết về những thách thức quốc phòng và an ninh cũng như nâng cao tính minh bạch và cởi mở.
Hội nghị này sẽ bàn bạc, thảo luận về tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực, xác định những ưu tiên ban đầu cho hợp tác quốc phòng an ninh trong khuôn khổ ADMM+, đặt đường ray và tạo động lực để đoàn tàu ADMM+ có thể khởi hành ngay một cách mạnh mẽ và đúng hướng.
Ngay sau lễ khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 nước đối tác đã nghe thông báo của Tổng thư ký ASEAN về cập nhật tình hình phát triển của ASEAN; trình bày của Chủ tịch Hội nghị về tiến triển của hợp tác quốc phòng- quân sự ASEAN hướng tới mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN; trao đổi về các vấn đề quốc phòng; thảo luận về tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+ và thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ lần thứ nhất.