6 điều cần biết về coronavirus, chủng virus mới gây viêm phổi cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Coronavirus gây bệnh viêm phổi từ Vũ Hán, Trung Quốc đã lan sang Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và mới nhất là Đài Loan khiến nhiều nước tăng cường cảnh giác, nhất là trong dịp tết du khách đi lại nhiều. Virus này là gì, phòng ngừa ra sao?
 
Một bệnh viện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Chủng virus corona (coronavirus) - nguyên nhân gây bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc) là một chủng mới phát hiện, bởi thế còn nhiều điều chưa biết về nó. Tuy nhiên theo đài CNN, vì chủng virus mới này là "anh em họ" với virus gây đại dịch SARS và MERS nên có những cơ sở khoa học tới nay người ta đã nắm được.
Nhà khoa học Leo Poon, người đầu tiên giải mã virus corona, cho rằng chủng virus mới chắc chắn đã phát sinh từ động vật rồi lây sang con người.
"Những gì chúng tôi biết là nó gây bệnh viêm phổi và sau đó không có phản ứng với điều trị kháng sinh (tức là điều trị bằng kháng sinh không có tác dụng - PV). Điều này không ngạc nhiên, song về phương diện tử vong, bệnh SARS cướp đi sinh mạng của 10% số người mắc", ông Poon, chuyên gia virus học tại Trường y khoa cộng đồng, Đại học Hong Kong, nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát chỉ dẫn tới các nước về cách chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh viêm phổi lạ, trong đó có cả phương án theo dõi người bệnh và điều trị bệnh nhân.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về virus corona.
Virus corona là gì?
Theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh dịch, virus corona là một họ lớn gồm nhiều chủng virus khác nhau phổ biến trong động vật. Trong một số trường hợp hiếm hoi chúng có thể lây nhiễm từ vật sang người.
Các triệu chứng khi nhiễm virus corona
Các chủng virus này có khiến con người sinh bệnh, thường là các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên ở mức từ nhẹ tới trung bình, tương tự như chứng cảm lạnh thông thường.
Các triệu chứng biểu hiện của nhiễm virus corona gồm chảy nước mũi, ho, đau họng, có thể đau đầu và sốt. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày.
Với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi và trẻ em, có khả năng virus corona còn gây các bệnh liên quan đường hô hấp dưới như viêm phổi hay viêm cuống phổi.
Đã có một số chủng virus corona lây sang người đáng sợ. Đó là virus Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) lần đầu tiên phát hiện tại Trung Đông năm 2012. Virus này cũng gây ra các vấn đề về hô hấp, nhưng những triệu chứng nghiêm trọng hơn nhiều. Cứ 10 người nhiễm virus này lại có từ 3-4 người chết, theo dữ liệu của CDC (Mỹ).
Trong khi đó, virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) là một chủng virus corona khác có thể gây những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Chủng virus này được phát hiện lần đầu tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Chủng virus gây bệnh SARS không chỉ gây ra những vấn đề về hô hấp mà còn có thể gây tiêu chảy, mệt mỏi, thở gấp, suy hô hấp, suy thận. Tùy theo tuổi người bệnh, tỉ lệ tử vong vì SARS rơi vào khoảng từ 0-50% số ca nhiễm, những người càng lớn tuổi thì nguy cơ càng cao.
Cách thức lây lan
Các chủng virus corona có thể lây nhiễm qua tiếp xúc giữa người và vật. Các nhà khoa học cho rằng dịch MERS khởi đầu từ loài lạc đà, trong khi đó các nhà khoa học nghi cầy hương là loài vật làm dịch SARS bùng phát.
Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus này cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân đôi khi cũng bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh, theo CDC (Mỹ).
Điều trị virus corona thế nào?
Chưa có cách điều trị cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng bệnh sẽ tự hết. Các bác sĩ có thể giảm nhẹ các triệu chứng này bằng cách kê thuốc giảm đau hay giảm sốt.
Theo CDC, việc ở phòng có độ ẩm đủ hoặc tắm nước nóng cũng sẽ giúp giảm đau họng và ho.
Người bệnh nên uống nhiều nước, chất lỏng, nghỉ ngơi và ngủ càng nhiều càng tốt. Trong trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm mà thậm chí có dấu hiệu nặng hơn, cần tới bác sĩ ngay.
Phòng bệnh do virus corona gây ra
Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa virus corona. Các thử nghiệm vắcxin phòng chủng virus gây bệnh MERS vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách tránh tiếp xúc những người bị bệnh. Nên cố gắng tránh đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà bông và nước trong ít nhất 20 giây.
Nếu bạn là người bệnh, hãy ở nhà và tránh đám đông, tránh tiếp xúc với những người khác.
Che miệng và mũi khi ho hay hắt hơi. Khử trùng các vật dụng và bề mặt đồ dùng bạn chạm vào để tránh lây bệnh cho người khác.
Virus corona và thai phụ
Với phụ nữ mang thai, các chủng virus corona có thể gây hậu quả nguy hiểm hơn. Có những trường hợp thai phụ bị MERS đã bị chết lưu thai như trong kết quả một nghiên cứu năm 2014.
D. Kim Thoa (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.