Từng 2 lần từ bỏ giảng đường Cao đẳng, Đại học và 2 lần làm ăn thất bại, chàng trai 9X Nguyễn Xuân Trường, xã Thọ An, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vẫn không ngừng vươn lên, thành công với mô hình nuôi giun quế từ phân bò.
2 lần bỏ học, khởi nghiệp với số vốn âm
Năm 2009, Nguyễn Xuân Trường (SN 1991) đỗ vào khoa Vật lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng chàng trai trẻ nhận ra đây không phải ngành học mà mình yêu thích nên đã chuyển sang học trường Cao đẳng Y tế Hà Đông với ước mơ được cứu chữa người bệnh.
Theo học ngành y được hơn 2 năm, đến khi gần chạm tay vào tấm bằng tốt nghiệp, Trường lại quyết định rời giảng đường lần nữa, thử sức ở các lĩnh vực khác nhau như môi giới bất động sản, kinh doanh, bán hàng... những công việc dù không đúng sở trường nhưng đã giúp một người trẻ như anh thu lại không ít bài học quý báu.
|
Nguyễn Xuân Trường đang tưới phân cho giun trong trang trại ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. |
Năm 2016, trồng rau trên ban công, sân thượng trở thành xu hướng nở rộ ở các thành phố lớn. Nắm bắt được nhu cầu đó, Trường mạnh dạn khởi nghiệp với dịch vụ cung cấp giống cây, chậu và phân bón, đồng thời vận chuyển, lắp đặt tận nhà cho khách hàng. Với sự nhanh chóng và tiện lợi, mô hình kinh doanh của anh thu hút khá đông khách hàng vào thời điểm đó. Nhưng rồi thị trường dần hạ nhiệt, cùng với biến cố của gia đình nên chỉ sau một thời gian, Trường quyết định dừng lại.
Tới đầu năm 2017, Trường vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp lần thứ 2 với gần 2.000m2 rau hữu cơ. Bỏ ra nhiều công sức nhưng lại chưa nắm vững kỹ thuật, anh nhận “trái đắng” sau nửa năm bởi rau sinh trưởng kém, không cho năng suất, chất lượng như mong đợi. Lần này, Trường gánh khoản lỗ hơn 100 triệu đồng.
Thành công với mô hình nuôi giun quế
Thất bại và khó khăn cứ tiếp nối nhau, nhưng tinh thần lạc quan của chàng trai trẻ vẫn không bao giờ tắt. Trường kể: “Dù sao trong cái rủi cũng có cái may, qua quá trình làm nông nghiệp hữu cơ, tôi phát hiện ra con giun quế có nhiều ích lợi, khá dễ nuôi, thị trường tiêu thụ lại rộng mở nên hoàn toàn có thể làm được.”
Rút kinh nghiệm từ lần khởi nghiệp trước, ngoài tìm hiểu kỹ thuật nuôi giun quế trên mạng, Trường lang thang khắp các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình... thăm tới hơn 20 trang trại nuôi giun để học hỏi kinh nghiệm thực tế.
Không có vốn, Trường bắt tay vào nuôi giun tại nhà với diện tích vỏn vẹn 10m2 và tích cực giới thiệu sản phẩm trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhờ vậy, chưa đầy 2 tháng sau anh đã có những khách hàng đầu tiên, có khoản thu nhập để xoay vòng vốn, mở rộng quy mô trang trại.
|
Giun trưởng thành sau 45 ngày nên thu hồi vốn nhanh. Giun sinh khối để làm giống, giun tinh có thể làm thức ăn trong chăn nuôi, phân và dịch giun cung cấp dồi dào chất dinh dưỡng cho cây trồng. |
Đến nay, sau hơn một năm gắn bó với giun quế, Trường nhận không ít đơn hàng lên tới hàng chục tấn, diện tích trang trại từ 10m2 đã phát triển lên đến hơn 500m2. Với tên thương hiệu “Giun quế Hà Tây”, Trường còn tạo kênh Youtube và Facebook với hàng ngàn lượt theo dõi để thu hút khách hàng, đồng thời chia sẻ kỹ thuật nuôi giun với mọi người.
Anh Trường cho biết, nuôi giun quế không đòi hỏi số vốn lớn hay kỹ thuật phức tạp. Mỗi ngày, người nuôi chỉ cần cho giun ăn một lần vào buổi sáng ; để phòng bệnh, chỉ cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn không nhiễm hóa chất, tồn dư muối, vôi dễ làm giun chướng bụng, tím tái... ngoài ra không cần sử dụng bất cứ loại thuốc thú y nào.
“Để tiết kiệm chi phí, tôi sử dụng nền đất, tre và bạt để làm trại, tận dụng phân bò miễn phí từ các trang trại, rau củ vứt đi ở chợ làm thức ăn nuôi giun. Ngoài ra, do giun chỉ ưa mức nhiệt từ 23-30°C nên tôi trồng thêm giàn bầu, bí và phun sương trên mái để hạ nhiệt cho giun trong những ngày nắng nóng” – Trường chia sẻ.
|
Nhiều khách hàng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tìm đến trại giun của Trường để mua con giống và học hỏi kinh nghiệm. |
Hiện nay, Trường đã sở hữu 2 trại giun tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai và xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Do cung chưa đủ cầu, anh đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi giun quế và nghiên cứu nuôi thêm ruồi lính đen để cung cấp nguồn thức ăn sạch, xử lý rác thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường.
Trải qua không ít khó khăn, với sự chăm chỉ và không ngại tìm hướng đi riêng để phát triển kinh tế, Nguyễn Xuân Trường đã bước đầu thu được thành công từ mô hình nuôi giun quế. Với giá bán ổn định giá 15.000 đồng/kg giun sinh khối, 70.000 đồng/kg giun tinh, 3.500 đồng/kg dịch giun... mỗi năm chàng trai 9x này thu về khoảng 400 triệu đồng.
Ước mơ bao năm qua của Trường là mở bệnh viện cứu người. Dù không theo nghề y nhưng chàng trai trẻ vẫn tâm niệm, công việc mình đang làm giúp tạo ra nguồn thức ăn sạch cho động – thực vật, góp phần xử lý rác, làm cho trái đất sạch hơn cũng là một cách giúp mọi người phòng bệnh và sống khỏe mạnh hơn. |
Quỳnh Nguyễn (Dân Việt)