Xuân Trường từng bị bệnh tim, phải giấu CLB HAGL

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chia sẻ mới nhất của mình trên trang podcast cá nhân, tiền vệ Lương Xuân Trường cho biết anh từng gặp vấn đề liên quan đến bệnh tim, khiến khả năng chơi bóng bị ảnh hưởng.

Triệu chứng rối loạn nhịp tim

Tối 21.2, tiền vệ Lương Xuân Trường tiếp tục chia sẻ về sự nghiệp bóng đá trên trang podcast cá nhân mang tên XT6. Đây là số thứ 6, cầu thủ sinh năm 1995 kể về những biến cố, trải nghiệm đã bước qua trong sự nghiệp. Trong chia sẻ mới nhất, Xuân Trường thừa nhận anh từng gặp vấn đề về tim mạch, khi nhịp tim rối loạn bất thường.

Tiền vệ sinh năm 1995 kể lại: "Trong quá khứ, mình từng gặp vấn đề liên quan đến tim mạch. Từ lúc còn là cầu thủ trẻ 16-17 tuổi mình đã phát hiện ra vấn đề này. Ví dụ, khi vô tình thực hiện một động tác nào đó mà khiến cơ thể bị hẫng đột ngột, nhịp tim của mình sẽ bị rơi vào tình trạng đánh trống ngực, đập tăng nhanh lên gấp đôi. Sau này mình mới biết đây là hiện tượng cơn nhịp nhanh trên thất, là một loại triệu chứng của rối loạn nhịp tim. Tình trạng này thường diễn ra trong lúc mình tập luyện.

Xuân Trường trong màu áo CLB Hải Phòng

Xuân Trường trong màu áo CLB Hải Phòng

Nhiều lần trên sân tập Hàm Rồng, mình đã bị rơi vào trạng thái ấy. Nếu lúc đó mình vẫn cố gắng tập căng thì thật sự không biết điều gì sẽ xảy ra. Khi ấy, có vài lần mình nói chuyện với các bác sĩ tại HAGL, thì một bác sĩ có nói: lúc tập luyện nhịp tim tăng lên là bình thường, không có vấn đề gì, với cũng khó để kiểm tra ngay bây giờ. Nếu cần thì phải ra các bệnh viện lớn ở Hà Nội mới kiểm tra được.

Mình bí mật trao đổi với thầy Giôm (HLV Guillaume Graechen), và thầy đã sắp xếp cho anh Trí phiên dịch đi cùng mình ra Hà Nội 2 ngày để kiểm tra. Mình đã làm đủ các bài test, nhưng không làm cách nào để cho cơ thể mình rơi vào trạng thái đó được. Nên kết quả mọi thứ vẫn bình thường, không vấn đề gì cả. Nhưng mình biết mọi thứ không đơn giản như vậy".

Xuân Trường chia sẻ thêm: "Mỗi lần mình bị như thế, cách duy nhất để triệu chứng ấy giảm đi là mình phải nằm ngửa ra, hít thở thật sâu và đều. Khi đó nhịp tim đang từ khoảng 180, kêu bụp bụp bụp liên tục rồi sẽ giảm dần, chậm lại rồi trở lại như bình thường. Còn nếu mình cứ tiếp tục tập luyện thì sẽ cảm thấy rất mệt. Mỗi lần bị như vậy xong mình thấy cơ thể rất oải, chỉ muốn nghỉ ngay nhưng vẫn chọn cố hoàn thành nốt buổi tập.

Với một VĐV, vấn đề liên quan đến tim mạch là vô cùng nhạy cảm. Thường các VĐV gặp vấn đề về tim mạch sẽ được chỉ định dừng lại tất cả các hoạt động thể thao, cho nên mình rất sợ nếu các thầy biết sẽ không cho mình chơi bóng nữa hay sẽ bị loại khỏi học viện, nên mình quyết định giấu. Thường khi rơi vào trạng thái đó trong lúc tập, mình sẽ xin đi vệ sinh. Nhiều hôm mình vào phòng vệ sinh rồi nằm luôn ra sàn nhà. Có lúc nhịp tim giảm, có lúc lại không giảm xuống được và mình phải duy trì điều đó đến hết buổi tập luôn".

Sự nghiệp Xuân Trường suýt nữa gián đoạn vì tim mạch

Sự nghiệp Xuân Trường suýt nữa gián đoạn vì tim mạch

'Hồi sinh' ở Incheon United

Lương Xuân Trường khẳng định, vấn đề tim mạch của anh chỉ được giải quyết khi cầu thủ này chơi cho CLB Incheon United ở K-League 1 mùa giải 2016. Người đại diện Lee Dong-jun đã đưa Xuân Trường đi bệnh viện để chữa trị dứt điểm.

"Hôm đó, trong một buổi tập với đội B Incheon United thì mình tiếp tục gặp vấn đề về tim mạch, nên mình đã nằm luôn ra sân. Cũng may là ở đội B nên mình đỡ ngại hơn. Mọi người hỏi thăm thì mình vẫn nói dối là gặp vấn đề về dạ dày. Tuy nhiên nằm ra sân như vậy mà tình hình vẫn không giảm. Thế là lúc ấy mình quyết định đánh liều, thú nhận sự thật luôn với nhân viên y tế của đội: "Tôi bị vấn đề này từ lâu rồi. Nhịp tim của tôi bị đập nhanh bất thường. Anh có thể đưa tôi vào bệnh viện để kiểm tra ngay bây giờ không?".

Cũng may là physio ở các đội bóng bên Hàn đều có thể sử dụng được kha khá tiếng Anh, và cũng may anh này hiểu tình trạng của mình nên đã ngay lập tức xin phép bác sĩ chính của đội để đưa mình vào viện ngay.

Vào đến viện thì mình được đưa đến phòng cấp cứu, mình đã chọn không nằm xuống mà chỉ ngồi vì mình sợ nếu ngồi xuống thì cơn nhịp nhanh đó sẽ biến mất và các bác sĩ sẽ không bắt được triệu chứng này. Rất may là các bác sĩ đã phát hiện ra, mình phải mổ nội soi để xử lý triệt để. Sau khi chữa trị, mình chỉ mất 2 tuần để hồi phục sức khỏe để trở lại tập luyện và thi đấu một cách bình thường. Từ đó đến bây giờ mình không rơi vào trạng thái đó lần nào nữa. Không quá khi nói, Incheon đã hồi sinh Xuân Trường".

Có thể bạn quan tâm

Dấu ấn Kim Sang-sik

Dấu ấn Kim Sang-sik

Khác với hình ảnh điềm đạm kể từ khi làm HLV tuyển Việt Nam, ông Kim Sang-sik đã bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc xuyên suốt trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024