Xử tham nhũng sẽ không còn chuyện "kính thưa… anh chưa lộ"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây gậy quyền lực phải rà soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp có biểu hiện tham nhũng. Việc kê khai tài sản phải thực hiện hiệu quả hơn.
Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ chưa dừng lại. Hàng loạt vụ việc được điều tra và điều tra mở rộng mới đây đã hé lộ các phương thức làm thất thoát tài sản của nhà nước. Về phương án xử lý sai phạm, dư luận có thể cảm nhận rõ, sẽ không có vùng cấm, không phân biệt giữa người đương chức và người đã về hưu và thu hồi tài sản tham nhũng đã được coi là một trong những ưu tiên.
Tại TP.HCM, cuối tháng 8/2019, thêm 3 bị can đều nguyên là cán bộ tại Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM và Sở TNMT TP.HCM bị khởi tố liên quan tới việc khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng rơi vào tay tư nhân. Cũng bởi sai phạm này, trước đó một vị nguyên là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và một vị nguyên là Giám đốc Sở TNMT TP.HCM đã bị khởi tố.
Một vụ việc gây chú ý khác tại đầu tàu kinh tế của Việt Nam là sai phạm trong chuyển nhượng đất vàng của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn SAGRI. Trong một diễn biến mới nhất, nguyên Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước này đã bị khởi tố cùng với một nguyên Kế toán trưởng. Giám đốc hai công ty du lịch cũng bị khởi tố, điều tra, liên quan tới việc xuất hóa đơn tài chính, tất toán… cho những chuyến du lịch ‘khống’, trị giá hơn 13 tỷ đồng.
Tại Đà Nẵng, phát ngôn mới nhất của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa về vụ sân vận động Chi Lăng, ‘ông nào cấp sổ đỏ thì phải chịu trách nhiệm và cũng sẽ có một vài ông đi tù. Còn ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro” chứng tỏ Đà Nẵng sẽ nỗ lực làm tới cùng, xử lý xác đáng các sai phạm. Việc thu hồi sân vận đông Chi Lăng kèm với đó là mục đích sử dụng khu đất này phục vụ cho cộng đồng đã được đặt ra và người ta tin rằng Đà Nẵng sẽ nói được và làm được.
 
Tham nhũng đất đai đang bị xử lý nghiêm minh. Ảnh TC Tuyên giáo
Quả thật, đây là những việc không để đặng đừng. Theo kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018, còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng... Theo ước tính không chính thức từ nhiều chuyên gia tâm huyết, tham nhũng, thất thoát từ đất đai có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí cao hơn gấp rất nhiều lần. Đó là chưa kể, tham nhũng đất đai làm nảy sinh hàng loạt nhũng nhiễu, tiêu cực ở các khu vực khác, đặc biệt là khu vực hành chính công. Những biến tướng xấu này cần phải được loại bỏ tận gốc.
Mặt khác, nguồn lực đất đai là có hạn. Sử dụng không hiệu quả tài nguyên này là một hành động kém khôn ngoan, vậy thì để mất đi tài sản đất đai, vốn thuộc sở hữu của toàn dân, có thể phải hiểu như là việc đánh rơi của thừa kế của tương lai. Tiếp cận theo hướng này, việc xử lý triệt để và thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, trong đó có tham nhũng đất đai chỉ là giải quyết phần ngọn. Cùng với đó, tìm ra và hóa giải căn nguyên của vấn nạn này là một việc ‘tất dĩ ngẫu’.
Xét từ góc độ khách quan, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ của Việt Nam đang tạo ra tình trạng, trong mỗi trường hợp áp dụng một luật, sao cho có lợi nhất đối với người sử dụng đất, chủ yếu là đối tượng doanh nghiệp.
Báo cáo vừa được gửi lên Chính phủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã chỉ ra 20 ‘chồng chéo’ trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu.
Cụ thể, đó là sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở; quy định không thống nhất, thiếu cụ thể trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất; mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử đụng đất theo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; không tương thích giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất và các quyền, nghĩa vụ có liên quan của nhà đầu tư...
VCCI cho rằng, các xung đột, chồng chéo trên đã tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, là cơ hội phát sinh các nhũng nhiễu tiêu cực trong thực hiện dự án…
Như vậy, câu chuyện cần giải quyết ở đây không chỉ là sửa Luật Đất đai, việc vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành thực hiện. Yêu cầu thống nhất và tương thích giữa các bộ luật nhất thiết phải đặt ra, bằng không, tùy vào trường hợp cụ thể, phải có quy định ưu tiên thực hiện theo văn bản pháp luật nào có lợi nhất cho lợi ích chung. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính hòa hoãn tạm thời, áp dụng cho đến khi chúng ta khắc phục được những chồng chéo giữa các luật, điều khó có thể thực hiện ngày một ngày hai.
Xét từ góc độ người thực thi, xử lý nghiêm minh sai phạm theo tinh thần không có vùng cấm, xử lý cả cán bộ đã về hưu, sẽ tạo nên những tấm gương tày liếp. Thế nhưng, nếu không muốn xảy ra tình trạng… “kính thưa những anh chưa bị lộ”, cây gậy trừng phạt phải rà soát hết các trường hợp sai phạm, xử nghiêm đúng người đúng tội. Đây không phải là một nhiệm vụ bất khả thi, nhất là khi chúng ta có thể dễ dàng tìm ra những đầu mối.
Không phải ngẫu nhiên, câu chuyện kê khai tài sản của cán bộ công chức luôn được đề cập khi bàn về việc phòng chống tham nhũng. Sự việc một vị quan chức dính án tham nhũng khai nhận đưa tiền hối lộ cho con gái, nhưng chính con gái vị này lại phủ nhận, buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là kẽ hở trong việc kê khai tài sản đến cả từ việc người thân của cán bộ phải kê khai tài sản thế nào.
Theo luật pháp hiện hành, chỉ có con cái dưới tuổi vị thành niên của cán bộ giữ chức vụ cao mới phải kê khai tài sản, tuy nhiên nhìn vào ví dụ nêu trên, có vẻ như làm vậy vẫn chưa đủ. Cây ngay thì chẳng ngại công khai, minh bạch. Thêm nữa, với hướng dẫn mới về xử lý đảng viên vi phạm, để con cái phạm tội, đảng viên phải chịu trách nhiệm, đồng nghĩa việc kê khai tài sản của con cái cũng là cách các bậc làm cha làm mẹ phát hiện sớm và uốn nắn con cái của họ. Rõ ràng, đề xuất mức kê khai chặt chẽ hơn sẽ không vấp phải nhiều sự phản đối tiêu cực.
Việc làm này sẽ là một mũi tên bắn hai đích: một là, động lực tham nhũng sẽ bị thui chột nếu việc phát hiện tham nhũng thông qua kiểm soát thu nhập và kê khai tài sản được thực hiện bài bản và quyết liệt; hai là, khi đã minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức, việc thu hồi tài sản tham nhũng nếu có sai phạm sẽ thực chất và hiệu quả hơn rất nhiều lần.
Khánh Nguyên (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.