Xóa nghịch lý nhà ở 'vừa thiếu vừa thừa'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thiếu nhà ở khiến giá tăng cao là chuyện vẫn nói lâu nay, không ai xa lạ gì. Nhưng thừa nhà, ế nhà, để không cả vạn căn nhà ngay tại đất vàng, ở thành phố lớn bậc nhất như TP.HCM thì đúng là "chuyện khó tin nhưng có thật".

Đó là hơn 10.000 căn nhà tái định cư để không nhiều năm nay mà ngân sách vẫn đang phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để bảo trì, bảo dưỡng. Lý do để không thì nhiều, nhưng vấn đề đáng để suy ngẫm là TP.HCM đang thiếu trầm trọng nhà ở xã hội (NOXH) nói riêng và nhà ở nói chung, nên sự lãng phí này được nhân lên gấp đôi, gấp ba. Bao năm qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo TP hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của nơi ăn chốn ở cho người nghèo đô thị, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực tế, chính quyền TP cũng rất quyết liệt trong việc triển khai các dự án NOXH. Thế nhưng chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa mà chưa có giải pháp chuyển đổi nhằm tối ưu nguồn lực đất đai, phục vụ mục đích an cư, an sinh cho người dân trên địa bàn thì rất đáng tiếc.

Không chỉ thiếu NOXH, thừa nhà tái định cư, nhìn lại thị trường bất động sản TP.HCM cũng đang tồn tại nghịch lý vừa thừa vừa thiếu. Đó là những đất vàng bỏ hoang bao năm không triển khai trong khi ngân sách áp lực đủ các khoản chi quốc kế dân sinh. Cứ dạo một vòng ngay trung tâm thành phố sẽ thấy không ít khu đất lớn tường rào bao quanh cho cỏ mọc um tùm, hoặc tận dụng làm bãi gửi xe. Trong khi ngay kế bên, các tòa trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn lớn hoạt động nhộn nhịp, mang lại nguồn thu đều đặn cho ngân sách. Hay những dự án treo lưu cữu hàng chục năm, còn người dân xung quanh muốn xây dựng nhà cửa cho con cái, cải tạo nơi ở cho mình cũng đành chịu. Họ phải sống tạm bợ, chật chội ngay trên mảnh đất của mình không biết đến bao giờ. Đằng sau cụm từ "quy hoạch treo" không chỉ là những phận người, phận đời mà còn là nguồn lực cá nhân, gia đình và xã hội bị lãng phí. Riêng với NOXH, nghịch lý lớn nhất là chủ trương thì đẩy mạnh, khuyến khích và quyết liệt triển khai nhưng đi vào thực tế thì thủ tục, pháp lý thậm chí còn nhiều hơn cả xây dự án nhà ở thương mại. Vì thế các doanh nghiệp dù rất muốn tham gia, muốn đóng góp cũng nản lòng.

Trở lại với TP.HCM, tất nhiên những tồn tại lưu cữu đó có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, sự chồng chéo về quy định pháp luật. Nhưng hiện TP đã có Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, có thể áp dụng để giải quyết những vấn đề tồn đọng phục vụ cho phát triển cũng như an sinh xã hội. Liên quan đến chuyển đổi nhà tái định cư thành NOXH, mới đây Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các địa phương báo cáo. Theo đó, việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án. Hiểu nôm na rằng cơ chế đã mở.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm qua, vấn đề NOXH cũng nóng trên nghị trường khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tình hình phát triển KT-XH 2023 và những tháng đầu năm 2024 khi Ủy ban Kinh tế đề nghị thanh tra toàn diện phân khúc này.

Đã đến lúc phải quyết liệt để NOXH thông suốt từ chủ trương, chính sách thì mới thu hút được sự quan tâm đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp và giải quyết tình trạng vừa thừa vừa thiếu như nói trên.

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Thả gà ra để đuổi

Thả gà ra để đuổi

Những ngày qua, hàng trăm người dân ở xã Quỳnh Long và một số xã khác thuộc H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) hoang mang khi nhận được tin báo nhóm người đứng ra huy động tiền của họ bằng hình thức cho vay lãi suất cao bất ngờ tuyên bố không còn khả năng trả nợ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.