"Xẻ thịt" đất công Khu kinh tế Nhơn Hội: Có hay không cán bộ tham gia chiếm đất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu 2 huyện cùng vào cuộc cưỡng chế, xử lý rốt ráo các trường hợp lấn chiếm đất công trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội.
Ngày 7/6, nguồn tin của Dân Việt cho biết, ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng về việc tổ chức cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường cưỡng chế tại Khu kinh tế Nhơn Hội năm 2019. Ảnh: Dũ Tuấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường cưỡng chế tại Khu kinh tế Nhơn Hội năm 2019. Ảnh: Dũ Tuấn.
Trước đó, lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước đề nghị tỉnh hỗ trợ lực lượng, phương tiện để tổ chức cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại thôn Huỳnh Giản Nam, Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa) thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ lực lượng, phương tiện nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối trong quá trình tổ chức cưỡng chế.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND huyện Phù Cát chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn các xã Cát Tiến, Cát Chánh, thuộc phạm vi quy hoạch KKT Nhơn Hội để tổ chức triển khai cưỡng chế cùng với UBND huyện Tuy Phước, nhằm tạo sự đồng bộ trong quá trình tổ chức cưỡng chế.
Dân Việt đã từng nhiều lần đưa tin, thời gian qua, hàng loạt đối tượng ngang nhiên đến Khu kinh tế Nhơn Hội phân lô, chiếm dụng đất công, xây dựng trái phép.
Việc làm trái pháp luật diễn ra công khai và có biểu hiện lây lan diện rộng, người đến xâm chiếm "xẻ thịt" Khu kinh tế Nhơn Hội ngày một gia tăng, sự việc khiến tình hình trở nên hỗn loạn, phức tạp.
Tháng 3/2019, chính quyền tỉnh Bình Định chủ trì cưỡng chế 39 trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội, trong chuyến cưỡng chế lần này, có mặt Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Long trực tiếp đến hiện trường thị sát và chỉ đạo xử lý rốt ráo, dẹp nạn “xâu xé” đất công.
Trong khi chính quyền cấp xã, huyện buông lỏng quản lý thì đây là quyết định mạnh mẽ được dư luận địa phương hoan nghênh, thể hiện động thái quyết liệt từ chính quyền cấp tỉnh. Thế nhưng, sau chuyến cưỡng chế này không lâu, mọi chuyện đâu lại vào đấy, theo kiểu “xử lý cứ xử, lấn chiếm cứ lấn”.
Buộc tháo dỡ đối với hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.
Buộc tháo dỡ đối với hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Dũ Tuấn.
Tại cuộc họp xử lý lấn chiếm trái phép tại Khu kinh tế Nhơn Hội mới đây, ông Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận, chính quyền tỉnh này đã có quá nhiều bài học trong việc buông lỏng quản lý đất đai và khi công an điều tra thì chắc chắn sẽ "lộ" ra nhiều câu chuyện phải xử lý.
Ông Long nhận định, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng trên, vẫn là tổ chức chính quyền, quản lý đất đai thuộc Chủ tịch xã.
"Đất mang tiếng người dân lấn chiếm nhưng đằng sau là cán bộ mua, dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng nhà trái phép. Việc này, khi có hiện tượng chứng cứ thì công an tỉnh cần lập chuyên án, đủ kiện thì điều tra truy tố, xử lý dứt điểm. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã báo Thường vụ Tỉnh ủy, kiên quyết xử lý các trường hợp là cán bộ, đảng viên tham gia vào hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép", ông Long nói.
Ông Long khẳng định, tỉnh sẽ cương quyết xử lý các cán bộ, Đảng viên tham gia lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép, nếu kiểm tra phát hiện.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, Ban này đã có nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, đặc biệt là huyện Phù Cát khẩn trương triển khai tổ chức lực lượng để cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Các địa phương đã nhiều lần cam kết nhưng lại không thực hiện.
'Ban quản lý cũng rất bức xúc, nếu các huyện không thực hiện cưỡng chế thì sẽ lây lan thêm những trường hợp khác lấn chiếm thì càng khó xử lý", một lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định nhận định.
Theo Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.