(GLO)- Hội nhập với tiến trình đổi mới của đất nước, hạt gạo Phú Thiện cũng đang dần tiến đến thương hiệu, tạo bước phát triển căn cơ cho nền kinh tế-xã hội ở địa phương.
Vùng lúa Phú Thiện hiện có hơn 6.500 ha, cộng với khoảng 6.000 ha nữa ở huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa tạo nên “vựa lúa” khổng lồ trên cao nguyên xanh. Chất lượng hạt gạo ở Phú Thiện không ngừng được nâng cao và được nhiều nơi trong cả nước ưa chuộng. Sản lượng lúa hàng năm ở Phú Thiện đạt khoảng 90.000 tấn, bình quân năng suất đạt 6,5-7 tấn/ha/vụ-ổn định và cao nhất trong toàn tỉnh. Có những chân ruộng đạt năng suất đến hơn 10 tấn/ha/vụ. Với sản lượng lúa này, hàng năm Phú Thiện không chỉ đảm bảo về an ninh lương thực trên địa bàn mà còn có khoảng 30.000 tấn gạo thương phẩm bán ra thị trường, mang lại một nguồn lợi không nhỏ cho người trồng lúa và địa phương.
Hành trình phát triển cây lúa ở Phú Thiện, ngoài các yếu tố về “thiên thời, địa lợi” còn bắt nguồn từ công trình thủy lợi Ayun Hạ-một công trình thủy lợi lớn nhất vùng Tây Nguyên được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1995. Công trình thủy lợi Ayun Hạ có năng lực tưới 13.500 ha cho các loại cây trồng, trong đó chủ yếu là cây lúa nước 2 vụ (chiếm khoảng 12.000 ha) trên địa bàn các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Cùng với công trình thủy lợi Ayun Hạ, hệ thống kênh mương cấp I, II, III cũng được đầu tư xây dựng kiên cố đến từng chân ruộng; hệ thống đường trục nội đồng cũng được mở rộng và cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản. Nhờ vậy, cây lúa trong vùng tưới của công trình thủy lợi Ayun Hạ nói chung và vùng lúa Phú Thiện nói riêng, từ trước tới nay chưa có năm nào bị mất mùa do thiên tai.
Để giúp nông dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu giống lúa với năng suất cao và chất lượng tốt, Trạm Thực nghiệm Giống cây trồng Ayun Hạ cũng sớm được hình thành và đi vào hoạt động. Hàng năm, Trạm Thực nghiệm đã tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm và phục tráng cả chục giống lúa mới phù hợp với khí hậu, thời tiết của từng tiểu vùng và đưa vào ứng dụng thành công. Nếu như trước đây bà con chủ yếu gieo sạ bằng giống lúa địa phương, lúa tạp có năng suất rất thấp thì hiện nay toàn bộ diện tích đều gieo sạ bằng các loại giống mới và đạt năng suất cao như các loại giống 0M 4900, Ma Lâm 48, Hương Cốm, Hương Thơm 1, TH 205, DV 108...
Cây lúa nước ở Phú Thiện đang bước sang “trang sử” mới với việc hình thành nhãn hiệu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2016-2020) đã đặt ra 2 nhiệm vụ chính có liên quan đến phát triển nông nghiệp cần phải thực hiện cho bằng được, đó là củng cố các hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện. Đây cũng chính là các tiêu chí nhằm thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng nhằm sớm đưa gạo Phú Thiện trở thành thương hiệu của cả nước. Đó là đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, trên cơ sở có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng các lò sấy lúa và nâng cao chất lượng hạt gạo sau thu hoạch; liên kết khảo nghiệm các loại giống lúa mới để chọn lựa được giống tối ưu và mang tính chất đặc trưng phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đẩy mạnh sự liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp để hình thành cánh đồng mẫu lúa lớn, đảm bảo thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất tăng năng suất.
Văn Thông