Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trường học: “Chìa khóa” bảo đảm an toàn cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh, học sinh thì việc TP. Pleiku quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực trường học đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), mang đến sự an toàn hơn cho học sinh khi đến trường.

Thầy Lê Văn Phương-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay: Được Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) tài trợ thực hiện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, nhà trường đã tiến hành cải tạo hạ tầng và tổ chức giao thông khu vực trường học.

Theo đó, nhà trường sơn vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, làm rào chắn ngăn không cho xe đậu đỗ trên vỉa hè; tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nhận thức được vai trò của công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong khu vực trường học. Cùng với đó, UBND tỉnh có quy định giảm tốc độ khu vực trường học và cách trường học 300 m từ 60 km/giờ xuống 30 km/giờ trong khung giờ học sinh đến trường và tan trường.

Nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku đã triển khai thực hiện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Ảnh: M.P

Nhiều trường học trên địa bàn TP. Pleiku đã triển khai thực hiện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Ảnh: M.P

Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành giáo án điện tử dạy học về ATGT cho học sinh. “Qua việc triển khai thực hiện các quy định về ATGT khu vực trường học thì nhận thức của phụ huynh và học sinh được nâng lên rõ rệt, chấp hành tốt quy định giảm tốc độ. Phụ huynh đưa con đi học luôn đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn và đi đúng làn đường quy định. Về phía học sinh cũng dần nhận thức về ATGT, không chạy nhảy, nô đùa khu vực xung quanh cổng trường nơi có xe cộ qua lại đông đúc. Do vậy, thời gian qua, cổng trường luôn an toàn, không có vụ TNGT nào xảy ra”-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An khẳng định.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) nằm bên đường Nguyễn Văn Cừ có mật độ phương tiện qua lại đông đúc. Thế nhưng, từ khi hạ tầng giao thông trước cổng trường được cải tạo bài bản, các biển báo giao thông được lắp đặt hợp lý cùng với ý thức của học sinh cũng như phụ huynh được nâng lên thì trật tự ATGT khu vực cổng trường từng bước ổn định.

Hiệu trưởng Trương Tiến Sỹ cho biết: “Ngoài việc nâng cấp, cải thiện hạ tầng quanh khu vực trường học thì quy định giảm tốc độ quanh khu vực cổng trường chính là giải pháp cải thiện điều kiện ATGT tích cực nhất đối với học sinh, mang đến sự an toàn hơn cho học sinh mỗi khi đến trường”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Toàn Thắng-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: Cùng với việc triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do AIP tài trợ, trong 2 năm (2022-2023), TP. Pleiku đã mở rộng Dự án cải tạo hạ tầng tại khu vực 16 trường học trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng. Theo dự kiến, đến cuối năm 2023, thành phố có 40/46 trường tiểu học, THCS thực hiện cải tạo hạ tầng trường học.

“Kết quả mang lại là các vụ TNGT ở khu vực trường học giảm. Quan trọng hơn là ý thức của phụ huynh, học sinh về ATGT được nâng cao”-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.

Thành phố Pleiku lắp biển báo hạn chế tốc độ cho phép tối đa 30 km/h đối với các phương tiện qua khu vực cổng trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: Minh Phương

Thành phố Pleiku lắp biển báo hạn chế tốc độ cho phép tối đa 30 km/h đối với các phương tiện qua khu vực cổng trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: Minh Phương

Mới đây, báo cáo tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ về kết quả thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT đối với học sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Từ năm 2018 đến 2023, tỉnh Gia Lai phối hợp với AIP tổ chức chương trình ATGT tại các trường học với tổng vốn đầu tư hơn 23 tỷ đồng để cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông tại 33 trường học ở TP. Pleiku.

“Chúng tôi tập trung triển khai các giải pháp cụ thể là cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông trước cổng trường; tổ chức cắm biển báo hạn chế tốc độ 40 km/giờ trong thời gian đưa đón học sinh đến trường; đưa giáo trình điện tử về ATGT đến với học sinh, phụ huynh. Nhờ đó, thời gian qua, các trường tổ chức triển khai thí điểm dự án không có vụ TNGT nào liên quan đến học sinh; đồng thời, các vụ va chạm giao thông giảm từ 19,2% xuống còn 3%. Thời gian tới, tỉnh đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia từ mô hình của TP. Pleiku tiếp tục nhân rộng ra toàn quốc bằng nguồn vốn khác nhau”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế: Thời gian qua, tỉnh có giải pháp huy động, tạo điều kiện để sử dụng phương tiện xe buýt, xe hợp đồng đưa đón học sinh đến trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chỉ có 104 xe đưa đón học sinh, trong đó, TP. Pleiku chiếm đa số những xe tốt; còn lại các huyện vì điều kiện kinh tế khó khăn, nếu như đầu tư xe tốt thì giá rất cao, phụ huynh học sinh không đáp ứng được mức phí.

“Để phát triển xe buýt đưa đón học sinh thì cần có cơ chế chính sách miễn giảm tất cả các loại thuế cho phương tiện này. Một khi giảm giá thành xuống thì sẽ có điều kiện đầu tư được xe chất lượng tốt và tăng lượng xe đưa đón học sinh trong thời gian đến”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu giải pháp.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.