Mục tiêu đưa thông tin về chính sách của nhà nước đến được với càng nhiều người dân càng tốt để tăng cường hiệu quả của chiến lược "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" phải được xem là mục tiêu ưu tiên của công tác truyền thông chính sách trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay.
Nhưng thách thức chính là ở câu hỏi: "Làm thế nào?". Nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin, sự mất tập trung chú ý của công chúng, của người dân trong tiếp nhận thông tin hằng ngày là một thực tế làm đau đầu các chủ thể truyền thông. Cạnh tranh sự chú ý của công chúng là một cuộc chiến khốc liệt trên thị trường truyền thông hiện đại. Vấn đề không phải là có hay không có truyền thông, mà là truyền thông như thế nào, qua kênh kết nối nào thì mới may mắn tìm đến được công chúng đích.
Nếp nghĩ và lề lối quen thuộc về truyền thông chính sách ở VN thường trở về chức năng của một cơ quan chuyên trách nào đó của nhà nước. Còn nếu mở rộng thêm nữa thì sẽ là kiểu tiếp cận quen thuộc: "khai thác sức mạnh của hệ thống chính trị" để tuyên truyền cho người dân nắm bắt và hiểu rõ thông tin về chủ trương, chính sách của nhà nước. Ta có thể xem đó là những lực lượng chính thức đảm nhận vai trò truyền thông chính sách. Trên môi trường thông tin trực tuyến, không ngại để nói rằng sức ảnh hưởng của lực lượng chính thức nói trên bị cạnh tranh dữ dội với sức ảnh hưởng của rất nhiều KOLs trên mạng xã hội.
Họ trẻ hơn. Họ có nhiều chủ đề nội dung "quyến rũ" người dùng hơn. Họ có cách thức truyền đạt cởi mở và sáng tạo hơn. Họ sử dụng lối ngôn từ gần gũi và hợp gu với công chúng hơn, nhất là công chúng trẻ. Và một lợi thế khác về tâm lý tiếp nhận truyền thông, là họ dễ được xem là có tiếng nói đồng điệu với công chúng.
Chính sách của nhà nước trên thực tế là kiểu nội dung không dễ gì để hấp dẫn công chúng, dù giá trị của thông tin chính sách đối với cuộc sống và quyền lợi của người dân thì miễn bàn. Nếu hợp tác với các KOLs để truyền thông chính sách, hiệu quả của công tác này có thể được cải thiện đáng kể nhờ độ phủ rộng trong mạng lưới công chúng riêng của KOLs, nhờ cách thức truyền tải sống động và sáng tạo của họ.
Và điều đáng nói nữa là, phương châm "gần dân, trong dân" mà chính quyền luôn theo đuổi phải được cập nhật để phù hợp với thời đại số. Dân ở đâu thì chính quyền phải ở đó. Dân ở trên mạng xã hội thì chính quyền cũng phải sẵn sàng định vị mình trên mạng xã hội để dân khi cần thì tìm đến, để chính quyền khi muốn thì có thể nghe được tiếng nói của người dân. Các KOLs với sức ảnh hưởng riêng của họ với số đông công chúng có thể là một cầu nối hiệu quả giữa chính quyền với người dân.