Võ Thị Thu Hà: “Tôi hạnh phúc vì đã tạo cho các em một cái nghề để mưu sinh”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Bà Võ Thị Thu Hà là một trong những hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại làng Ia Lang nói riêng và phường Chi Lăng (TP. Pleiku) nói chung.

“Đặc biệt, bà đã giúp học sinh trong làng mạnh dạn tiếp cận với nghề may. Một số em sau khi học nghề miễn phí đã trở thành thợ lành nghề, có việc làm và thu nhập ổn định”-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Chi Lăng (TP. Pleiku) Nguyễn Thị Thu Hương nhận xét.

Chiều muộn, tạm ngưng công việc, bà Hà kê chiếc ghế ngồi trước hiên nhà nhìn gia đình hàng xóm cần mẫn chăm sóc các luống rau xanh. Với bà, hình ảnh giản dị, yên bình ấy khó tìm thấy ở thành phố nhộn nhịp, nơi bà từng sống trước đó. Bắt gặp ánh mắt tôi ngước nhìn bảng hiệu “Thu Hạnh Fashion”, bà liền nói: “Hạnh là tên thân mật của mình”.

Bà Võ Thị Thu Hà luôn mong muốn giúp thêm nhiều em dân tộc thiểu số thạo nghề may. Ảnh: P.D

Bà Võ Thị Thu Hà luôn mong muốn giúp thêm nhiều em dân tộc thiểu số thạo nghề may. Ảnh: P.D

Bà Hà sinh ra ở tỉnh Long An song lại lập nghiệp và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Bà là chủ cơ sở may gia công hàng xuất khẩu tại huyện Củ Chi. Bước ngoặt và cũng là lý do khiến bà đặt xuống mọi thứ, chọn cách sống chậm lại, dành nhiều hơn thời gian cho bản thân là khi bà phát hiện bị ung thư vú. Giao lại công việc cho em trai cùng cậu con trai quản lý, bà vừa điều trị bệnh và khoác ba lô đi đến những nơi mình thích.

“Cuối năm 2017, tôi đến TP. Pleiku và lưu lại ở đây 1 tuần. Tôi lang thang các làng vùng ven và nhớ mãi hình ảnh cô bé Jrai địu trên lưng đứa trẻ vài tháng tuổi, 2 tay xách theo 2 thùng nước tưới cho vườn rau súp lơ. Em chỉ 15 tuổi và đứa trẻ trên lưng không phải em hay cháu mà là con. Bất chợt, tôi có suy nghĩ, nếu mình về đây dạy nghề may cho các em thì liệu cuộc sống các em có khác hơn không”-bà Hà bộc bạch.

Những tưởng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua nhưng rồi nửa năm sau đó, bà quyết định mua nhà và chuyển về Gia Lai sinh sống. “Tôi chọn nơi này trước hết vẫn phải nói đến khí hậu. Tôi đã đến nhiều nơi nhưng không ở đâu khí hậu ôn hòa, mát mẻ như ở đây.

Tiếp đến là tình người. Ở đây không khi nào sợ đói. Đau bệnh một cái là người này người kia hỏi thăm, rất tình cảm. Điều đó thôi thúc tôi phải làm gì đó cho họ, nhất là những em học sinh nữ vì lý do nào đó bỏ học, lấy chồng từ rất sớm”-bà Hà trải lòng.

Khi mở cơ sở chuyên may đồng phục cho các công ty, trường học trên địa bàn, bà Hà đã trao đổi với Ban Nhân dân thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ phường về mong muốn hỗ trợ các em học sinh tiếp cận với nghề may. Khi nghỉ hè, các em đến cơ sở may để vừa chơi, vừa học.

Đơn giản là bà muốn các em không bị sa đà vào điện thoại, game và cũng muốn góp sức giúp các em nâng cao nhận thức trong việc học, nói không với nạn tảo hôn. Một số em sau khi làm quen với chiếc máy may dần yêu thích rồi theo học, trở thành thợ may, có thu nhập ổn định, phụ giúp gia đình.

Nhìn sang chị H'Blanh (SN 2002) đang ngồi may cạnh bên, bà Hà chia sẻ: “H'Blanh theo học nghề từ những ngày đầu cơ sở mới thành lập. 3 năm đầu, cứ nghỉ hè là em đến học, chủ yếu là làm quen với máy móc. Học xong lớp 9, em nghỉ rồi theo học may, giờ đã may thành thạo và hưởng lương theo tháng”.

Để giúp các em kiên trì theo đuổi nghề, không ít lần chị phải đến tận nhà vận động, thậm chí năn nỉ từng em. “Các em rất dễ tự ái. Thời gian đầu, tôi chưa biết nên cũng có lúc nóng giận, lớn tiếng, thế là hôm sau các em nghỉ luôn. Ngay như H'Blanh cũng tự ái nghỉ làm gần 1 năm, tôi phải gặp rồi động viên đi làm trở lại.

Một số em học thành thạo nghề rồi lấy chồng ở xa. Tôi hạnh phúc vì đã tạo cho các em một cái nghề để mưu sinh”-bà Hà chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc truyền dạy nghề tại làng.

Bà Võ Thị Thu Hà (bìa phải) tỉ mỉ hướng dẫn chị H'Blanh từng đường may. Ảnh: P.D

Bà Võ Thị Thu Hà (bìa phải) tỉ mỉ hướng dẫn chị H'Blanh từng đường may. Ảnh: P.D

Với mức lương ổn định 3 triệu đồng/tháng từ nghề may, chị H'Blanh phấn khởi nói: “Lúc trước, em nhận lương theo sản phẩm, mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Thấy em chăm sóc con nhỏ vất vả, tính lương theo sản phẩm thấp nên cô Hà trả lương theo tháng. Cô còn tặng cho mỗi người học (đủ 18 tuổi) 1 chiếc máy may, trong đó có em.

Có máy tại nhà, em có thể nhận hàng về làm thêm hoặc khi con đau ốm thì may tại nhà kết hợp chăm con, không phải đến cơ sở. Thỉnh thoảng, em may thêm đồ cho người thân, hướng dẫn các chị làm quen với nghề khi còn ngại đến cơ sở học việc. Nhờ có cô Hà, em biết nghề mà không phải tốn tiền. Giờ có nghề, có thu nhập ổn định, em rất vui!”.

Niềm vui trong nghề, trong cuộc sống giúp bà Hà có thêm động lực để chiến thắng bệnh tật. Hiện tại, bà Hà tiếp tục nhận đào tạo, nâng cao tay nghề cho phụ nữ trong làng. Bà muốn thêm nhiều người trẻ tại làng thạo nghề, sau đó kết nối với cơ sở trong TP. Hồ Chí Minh để gia công hàng xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Mặt khác, bà ấp ủ dự định thiết kế và may các sản phẩm từ thổ cẩm để góp phần thúc đẩy du lịch địa phương.

Trò chuyện với P.V, bà H'Tinh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Lang-cho hay: “Trong cuộc sống hàng ngày, chị Hà rất tình cảm và hòa đồng với mọi người. Ai có nhu cầu học may chị đều nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ. Nhờ đó, một số chị em học được nghề và có thu nhập ổn định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích chị em mạnh dạn đăng ký học nghề để có việc làm, thu nhập ổn định”.

Có thể bạn quan tâm

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.
Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Giảm giờ làm: Cần cả lý và tình

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động (NLĐ) xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.