Ngày 28-6, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “An ninh lương thực Việt Nam-Thực trạng, chính sách và triển vọng".
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD nhấn mạnh để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cần có quy hoạch và bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất lúa. Các tính toán cho thấy diện tích lúa cả nước từ 3,0 triệu ha trở lên là đảm bảo an ninh lương thực trong nước và có dư thừa để xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nâng cao tính an toàn, mục tiêu đến năm 2020, quỹ đất lúa cả nước đạt 3,8 triệu ha. Nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân, đất lúa quy hoạch vẫn có thể canh tác cây hàng năm khác. Vì vậy, xây dựng chiến lược xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tổng hợp cho sản xuất lúa gạo là cần thiết.
Tiến sỹ Steven Jaffee, Điều phối viên khu vực Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới cho biết mục tiêu của WB trong thời gian tới là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định chiến lược và chính sách liên quan đến lúa gạo một cách hiệu quả, công bằng và bền vững; xác định cơ hội đầu tư và nhu cầu xây dựng năng lực; xu hướng năng suất, mô hình sản xuất hiện tại và các kịch bản trong tương lai tới 2030.
Tiến sỹ đã đưa ra năm khuyến nghị liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; thực hiện các chiến lược hỗ trợ khác nhau ở cấp vùng, cấp tỉnh và giữa các hộ gia đình; tăng cường chiến lược đa ngành (nhằm tăng an ninh lương thực ở hộ gia đình và giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em)...
Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của các chuyên gia về lương thực trong và ngoài nước tập trung vào các vấn đề: linh hoạt hơn đối với quy hoạch và sử dụng đất; các chiến lược hỗ trợ nông dân; an ninh lương thực ở hộ gia đình; tách biệt xuất khẩu gạo mang “ tính xã hội” và "thương mại"...
Theo TTXVN