Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2001-2005, đã có khoảng 286.000 tỷ đồng dành cho đầu tư công, chiếm trên 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Giai đoạn 2006-2010 ước đạt trên 739.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Dự kiến tỷ trọng phần vốn đầu tư này cũng tương tự như các giai đoạn trước đó trong giai đoạn 5 năm tới (2010-2015).
Như vậy, tỷ trọng vốn nhà nước cho đầu tư các dự án công, các chương trình mục tiêu là rất lớn. Việc quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn đầu tư này là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần phải có những biện pháp và chính sách thích hợp nhằm đạt được việc sử dụng nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn.
Ông Martin Rama, Quyền Trưởng ban phát triển Đông Á (Ngân hàng Thế giới) nhận định, Việt Nam là một nước có tỷ lệ đầu tư công cao, đang trải qua quá trình đầu tư vào nhiều lĩnh vực, chiếm tới gần 40% tổng GDP.
Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực đầu tư của Việt Nam còn hạn chế. Ông Martin đã chỉ ra những yếu kém trong quản lý đầu tư công của Việt Nam như: trong kế hoạch đầu tư tổng thể không chú trọng đầy đủ tới phát triển vùng; không đánh giá môi trường chiến lược để đưa ra những lựa chọn chủ chốt (ví dụ ngành khai khoáng); phân quyền dẫn đến không hiệu quả và chồng chéo; ngân sách rời rạc giữa vốn nhà nước và chi tiêu ngân sách hiện tại; chồng chéo các luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu...
Chia sẻ kinh nghiệm cải cách của Hàn Quốc, ông Jay-Hyung Kim, Giám đốc Quản lý, Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng công cộng và tư nhân, Viện Phát triển Hàn Quốc hoàn toàn đồng ý với Chính phủ Việt Nam là đi theo xu hướng chung. Nếu tập trung ở Trung ương thì cũng có điểm tốt trong thẩm định dự án nhưng nếu phân cấp cho địa phương thì việc thẩm định sẽ tốt hơn.
Ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng vụ Kinh tế- Đối Ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, để thúc đẩy hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn công tác quản lý đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước; cải thiện các chính sách và cơ chế để tư vấn, giám sát và quản lý dự án theo hướng minh bạch hơn; xác định cụ thể trách nhiệm của từng khu vực và từng cấp, đồng thời với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và khắc phục các dự án thiếu hiệu quả, các khoản đầu tư không nằm trong quy hoạch tổng thể, thất thoát và tham nhũng.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như phân cấp trách nhiệm nhiều hơn cho người ra quyết định đầu tư và nhà đầu tư; đẩy nhanh việc triển khai thi công các dự án...