Về làng với học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi dạy học ở địa bàn còn nhiều khó khăn nên nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh được đặt lên hàng đầu. Học sinh nghỉ học 1-2 buổi không phép là giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện cho phụ huynh hoặc hỏi bạn ở gần nhà để biết lý do. Nếu muốn nắm tường tận, cụ thể hơn thì dành thời gian đến nhà học sinh.

Trong cả năm học, tôi vẫn thường đến thăm gia đình các em học sinh, vừa hiểu được rõ hơn về cuộc sống của từng em, tạo sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường, vừa tạo sự gần gũi, thân tình, giúp cho việc giảng dạy thêm thuận lợi. Mỗi lần về buôn làng là một kỷ niệm đáng nhớ.

Tranh thủ buổi sáng ngày nghỉ cuối tuần, tôi dẫn con gái vào làng thăm gia đình 5 học sinh lớp mình chủ nhiệm. Làng nằm trên một quả đồi, phải đi qua một con dốc cao và dài. Đường vào làng nay đã được bê tông phẳng lì nên chạy xe máy rất thuận tiện. Nhớ lời hẹn, một em học sinh đứng đón tôi ngay cổng chào rồi dẫn về nhà. Các em cùng làng, cùng lớp cũng đã có mặt đầy đủ. Gia đình em đón tôi thân tình, cởi mở. Chúng tôi chia sẻ với nhau về chuyện nhà, chuyện lớp, đặc biệt là việc dạy bảo các em. Câu chuyện cứ thế kéo dài.

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về làng thăm học sinh. Ảnh: Mai Hương

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về làng thăm học sinh. Ảnh: Mai Hương

Tôi và học trò cùng nhau tản bộ, lần lượt đến nhà từng em. Bên con đường bê tông rợp bóng cây, những mái nhà sàn đã bạc theo màu thời gian nép mình lặng lẽ. Phụ huynh nào cũng đón tiếp cô giáo nhiệt tình. Rồi trước khi chia tay, cũng nhất định tặng quà cho cô, là quả bầu xanh, ít rau xanh vừa hái trong vườn nhà hay mớ khoai lang mới đào. Những món quà giản dị mà sao thân thương, nghĩa tình đến thế!

Đến thăm hết các gia đình thì đã quá trưa. Mấy cô trò quay lại nhà đầu tiên và được gia đình đãi cơm. Là một bữa cơm chung với anh em họ hàng. Tôi khá ấn tượng với nồi cơm thơm nồng bốc khói nghi ngút, mặc dù không phải là mùa lúa mới. Bí quyết nằm ở chỗ rang sơ gạo rồi mới nấu nên cơm có màu vàng nhạt và mùi vị thơm ngon. Món mặn là thịt gà kho sả, giống gà bà con thả vườn, thịt săn chắc. Còn có cả món canh lá giang nấu lòng gà, lá mì xào cá khô. Ai nấy đều rất vui. Không khí bữa ăn đầm ấm tình thân, mọi người cùng nhau chia sẻ những câu chuyện cuộc sống.

Sau bữa cơm, chị phụ huynh bất ngờ mở tủ khoe với tôi. Một ngăn tủ đầy ắp đồ thổ cẩm. Tất cả đều do chính tay chị dệt cho mỗi thành viên trong gia đình. Rồi chị lấy chiếc túi thổ cẩm nói tặng cô làm tôi bất ngờ quá. Trước khi ra về, tôi xin phép chị cho mượn bộ váy thổ cẩm để mặc chụp tấm ảnh kỷ niệm với các em học sinh bên ngôi nhà sàn lộng gió. Sau khi chụp ảnh cùng cô, một em học sinh mạnh dạn bày tỏ mong muốn được cô giáo thường xuyên đến thăm, kể cả năm học sau, khi các em lên lớp 10. Chị phụ huynh đứng gần đó vừa cười vừa gật đầu như xác nhận. Tôi cũng cười và hứa sẽ giữ lời. Bởi tôi biết, tấm chân tình của phụ huynh và học sinh nơi đây chính là động lực giúp tôi gắn bó với nghề.

Có thể bạn quan tâm

Các thành viên Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong) trao đổi kiến thức, kỹ năng giao tiếp. Ảnh: N.M

CLB thủ lĩnh của sự thay đổi: Sân chơi bổ ích cho học sinh dân tộc thiểu số

(GLO)- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Kbang phối hợp với một số trường học trên địa bàn ra mắt câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Câu lạc bộ trở thành sân chơi bổ ích giúp các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện giao lưu, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống.

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024. Cuộc thi nhằm lan tỏa tình cảm tốt đẹp của học sinh đối với thầy-cô giáo; đồng thời tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu, cống hiến cho ngành Giáo dục.

Trường học không điện thoại di động

Trường học không điện thoại di động

Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhiều năm giữ vị trí số 1 trong các trường có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất TP, cấm học sinh dùng điện thoại di động trong bao nhiêu năm qua, kể cả giờ ra chơi, ăn bán trú, nghỉ trưa.