Về làng 'đệ nhất' cà kheo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mỗi chiều, ở làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai), dưới mái nhà rông ngả bóng là rộn rã tiếng cười trẻ nhỏ. Các thanh niên Ba Na vui đùa, đi cà kheo đá bóng.

Lưu giữ bản sắc, rèn sức khỏe

Ghé làng Kon Măh một lần, chắc chắn du khách sẽ muốn quay lại. Bởi nơi đây còn những căn nhà sàn mộc mạc, núi non trùng điệp với nhà rông sừng sững, mạnh mẽ như dang rộng vòng tay che chở cho dân làng. Biết khách đường xa về để tìm hiểu cà kheo, anh Tham - người chơi môn này giỏi nhất làng tựa lưng vào cột nhà rông, bộc bạch: “Tiếng Ba Na gọi cà kheo là xing xơng”. Anh Tham nhớ, các già làng luôn kể lại với con cháu rằng, lúc đi phát rẫy sợ con kiến, con rắn, rết cắn, rồi đường làng mùa mưa rất bẩn nên cha ông đã làm đôi cà kheo. Hồi đó không có dây cao su nên phải bện dây rừng để cột, làm bàn đạp cà kheo. Cà kheo ngày xưa rất cao để tiện mỗi khi bước ra nhà sàn. Giờ đây cuộc sống hiện đại nhưng với anh Tham và người dân làng Kon Măh, cà kheo vẫn là vật dụng để mọi người luyện tập, rèn luyện cơ thể khoẻ mạnh. Hơn cả, trong mỗi người làng Kon Măh, gìn giữ nét đẹp văn hoá bằng những nét riêng của dân tộc Ba Na vốn rất thiêng liêng. Động lực để duy trì cũng là những cuộc thi đi cà kheo. “Cứ chiều về, các em nhỏ trong làng lấy cà kheo đến nhà rông, tập hợp lại rồi chia đội đá bóng. Vừa vui chơi, vừa tập luyện”, anh Tham chia sẻ.

Anh Tham hướng dẫn các em nhỏ trong làng cột, sử dụng cà kheo

Anh Tham hướng dẫn các em nhỏ trong làng cột, sử dụng cà kheo

Anh Tham được mệnh danh là người đi cà kheo giỏi nhất huyện Chư Păh bởi đã giành được rất nhiều huy chương vàng môn thi này.

Khi anh Tham xuất hiện trên đường chạy, tất cả đều ngỡ ngàng trước tài năng của chàng trai nhỏ nhắn làng Kon Măh. Ở giải đấu cấp tỉnh và huyện, từ cự ly 100m, 200m đến 400m, anh đều giành chiến thắng với hàng chục tấm huy chương vàng. Bởi thế, anh Tham đã được chọn vào đội tuyển của tỉnh dự 4 kỳ hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc và giành được 7 tấm huy chương vàng.

“Hồi trước điểm đặt chân ở cà kheo cao hơn do nhu cầu sử dụng, còn giờ trong thi đấu độ cao bàn đạp chân được hạ xuống, cách mặt đất chỉ khoảng nửa mét để an toàn”, anh Tham nói.

Về kinh nghiệm của bản thân, anh Tham tâm sự, chiếc cà kheo tốt thường được làm bằng cây le đủ độ tuổi vừa chắc lại dẻo, tạo sức bật cho người chạy.

Không chỉ trong thi đấu thể thao, cà kheo còn thể hiện sự mạnh mẽ, khéo léo của người đàn ông trong những tấm ảnh nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Không chỉ trong thi đấu thể thao, cà kheo còn thể hiện sự mạnh mẽ, khéo léo của người đàn ông trong những tấm ảnh nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Giờ đây, anh Tham đã ngoài 30, sức khỏe không thể bằng các bạn đôi mươi. Và tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm anh đều truyền lại cho Đêm (SN 2002)- một bạn trẻ không chỉ có tố chất sức khỏe mà trong mắt luôn ngập tràn ý chí.

Mùa này, Đêm phải lên rẫy với cha mẹ nhiều hơn. Cả ngày trên rẫy, chập tối Đêm mới đến nhà rông được. Lạ thật, khuôn mặt của em chẳng có biểu hiện gì của sự mệt nhọc, vất vả. Vừa tới, thấy mọi người em lao vào xin tham gia tập luyện cùng. Dẫn chúng tôi về nhà, Đêm mang số huy chương “khủng” ra khoe. Tuy chỉ mới tham gia thi đấu môn cà kheo vài năm trở lại đây nhưng Đêm đã kịp có 8 huy chương vàng trong tổng số 11 huy chương các loại. Cách đây không lâu, dưới chân núi lửa Chư Đang Ya tổ chức “Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya”. Trong nội dung thi cà kheo, Đêm đã giành huy chương vàng không mấy khó khăn. Còn tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII (khu vực II) diễn ra ở TP.Quảng Ngãi tháng 6/2022, Đêm cũng mang về thành tích cao nhất ở cự ly 400m.

“Hồi em tập luyện có một lần bị bong gân. Nhưng đam mê, muốn thể hiện bản lĩnh của người đàn ông em đã cố gắng luyện tập trở lại để thi đấu. Em rất thích cảm giác mang huy chương vàng về cho làng mình”, Đêm vui vẻ.

Những chàng trai làng Kon Măh đi cà kheo theo nhịp cồng chiêng. Ảnh: Quốc Nguyễn

Những chàng trai làng Kon Măh đi cà kheo theo nhịp cồng chiêng. Ảnh: Quốc Nguyễn

Giữ cồng chiêng

Nhà rông làng Kon Măh đã đón rất nhiều du khách. Người dân nơi đây ít nói, chỉ biết thể hiện hiếu khách qua các món ăn truyền thống. Đêm xuống họ đốt lửa, rồi nắm tay hòa mình vào tiếng cồng chiêng.

Không chỉ riêng làng Kon Măh, mỗi làng ở xã Hà Tây đều có đội cồng chiêng thanh thiếu niên cả nam và nữ. Người biết đánh chiêng, đi cà kheo giỏi trong làng truyền dạy cho lớp trẻ, thường xuyên tổ chức hội thi giữa các đội, các làng để giao lưu học hỏi. Vì thế mà chiêng hay, đi cà kheo giỏi, xoang đẹp. Đặc biệt, hầu hết mọi người ở đây đều có thể chơi được từ một đến rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống.

Những tấm huy chương vàng của anh Tham

Những tấm huy chương vàng của anh Tham

Những năm gần đây, nhờ có nét riêng về văn hóa, làng Kon Măh đã thu hút được nhiều khách du lịch, không chỉ từng bước vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn có nhiều bước tiến trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Điều này không chỉ tạo được phong trào học hỏi rộng khắp trong cộng đồng, làng còn thường xuyên đại diện cho địa phương tham gia các hội thi, hội diễn.

Huấn luận viên Trần Thanh Duy (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai) cho biết, trên địa bàn tỉnh, môn cà kheo còn được duy trì ở các huyện Chư Păh, Đức Cơ, Đak Pơ, Phú Thiện và thành phố Pleiku. Tại hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc những năm gần đây, trung tâm luôn tuyển chọn vận động viên ở các huyện trên tham gia môn chạy cà kheo. Có đội ngũ tinh nhuệ ấy, Gia Lai đã vượt lên dẫn đầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Nhà thơ Văn Công Hùng, người dành cả cuộc đời để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên cho biết, thực ra cà kheo không phải là trò chơi, mà nó là một cách để con người khắc phục điểm yếu của mình, nối dài chân để sinh hoạt và lao động. Và cà kheo cũng không phải chỉ là độc quyền của người Tây nguyên. Bà con vùng biển cũng nhờ cà kheo mà “bước” ra ngoài vùng biển xa hơn để đánh bắt con ruốc và cá nhỏ. Có lẽ khởi thủy cà kheo ở Tây Nguyên là để bà con tránh những con vật nguy hiểm, cũng có thể là để qua suối. Sau này trong các lễ hội bà con mang ra “biểu diễn” như một cách vừa là “báo cáo” với Giàng (thần linh) những việc mình làm, lại như muốn thể hiện khát vọng cao hơn xa hơn của mình, như thần thoại Hy Lạp có chuyện con người mơ có cánh để bay lên trời thông qua nhân vật Icarus...

Có thể bạn quan tâm

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Xét trong làng múa lân thế giới, lân đến từ VN luôn trong nhóm đầu (top 3). Nghề lân vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay phát triển rực rỡ, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi du nhập thêm kỹ pháp mới để hòa hợp thị hiếu hiện đại. Các đoàn lân nở rộ, nhưng nghề chế tác đầu lân thì hãn hữu, nhất là những dòng lân truyền thống.

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Chuyến đi Nhật lần này, tôi được thực hành trà đạo. Nghệ thuật uống trà thì nhiều nước có mà đầu tiên phải nhắc tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phải thấy là mặc dù chỉ là người tiếp thu nghệ thuật đó từ người Hoa nhưng người Nhật phát triển nó cao xa thêm nhiều khiến chỉ ở họ mới có Trà Đạo.

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD đã khiến những thế hệ cán bộ thanh tra một thời sống thanh liêm thấy nhói lòng. Ông Trần Cao Minh, sinh năm 1929, từng là thư ký Đoàn thanh tra của Chính phủ nhớ lại những năm tháng ấy.

Người mê mắm

Người mê mắm

Đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Một mình anh nghĩ, anh nhớ và đi tìm từ cái dầm gỗ chèo thúng, đến loại cây đập ra lấy nhựa trét đèn, từ đôi bầu gánh mắm đến cái ghim tre vá lưới... anh đi tìm, sưu tầm và tẩn mẩn bày ra. Một bảo tàng nghề cá bắt đầu manh nha.

Mù u ra phố

Mù u ra phố

Rong ruổi qua các đường thành phố, nhất là những khu đô thị mới, nếu quan sát sẽ nhận ra những hàng cây xanh bản địa gắn bó với quê hương.

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.