(GLO)- Giao thông nông thôn, giao thông ven đô được gọi tắt là giao thông nông thôn. Hệ thống giao thông này bao gồm đường liên thôn, liên buôn, làng, đường nội bộ các thôn, buôn, làng, các đường hẻm thuộc các tổ dân phố ở thị trấn, thị xã, thành phố. Từ cách hiểu trên, cơ quan chuyên môn đã thống kê đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 7.000 km đường giao thông nông thôn; trong đó trên 30% được bê tông và nhựa hóa; góp phần thúc đẩy sự phát triển giao thương kinh tế giữa vùng nông thôn với khu vực phụ cận và khu vực thành thị; quá trình lưu thông của người dân thuận lợi hơn.
Ảnh: Lê Lan |
Một trong những tác động quan trọng tạo kết quả trên xuất phát từ chủ trương Nhà nước và nhân dân chung sức làm đường giao thông nông thôn được triển khai từ năm 2004 đến nay. Cụ thể, vào năm 2004, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 52/2004/QĐ-UB ngày 21-4 về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn và giao thông ven đô với định mức hỗ trợ 115 tấn xi măng và 50 triệu đồng cho mặt đường bê tông xi măng rộng 3 mét, dài 1 km. Mặt đường láng nhựa rộng 3 mét, dài 1 km hỗ trợ 12 tấn nhựa đường và 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hơn 7 năm áp dụng cơ chế hỗ trợ trên vào thực tiễn làm đường giao thông nông thôn đã có nhiều vấn đề phát sinh như giá thuê nhân công, nguyên-vật liệu cát, đá... tăng nên nguồn kinh phí hỗ trợ không đủ để làm mặt đường giao thông nông thôn.
Giải quyết những điểm phát sinh này, tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh phong trào Nhà nước và nhân dân làm đường giao thông nông thôn, ngày 2-3-2011, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 02/2011/QĐ-UB về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn và giao thông ven đô. Theo nội dung của Quyết định 02 thì kinh phí hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn thuộc ngân sách tỉnh từ nguồn vốn vay hàng năm của Chính phủ. Nguồn vốn này tỉnh chỉ dành hỗ trợ cho các loại mặt đường giao thông nông thôn có chiều rộng mặt đường 3 mét; đồng thời chỉ triển khai 2 loại mặt đường gồm: Mặt đường láng nhựa và mặt đường bê tông xi măng đảm bảo tải trọng cho phép xe có tổng trọng tải nhỏ hơn 10 tấn lưu thông. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của các tuyến đường để lựa chọn kết cấu mặt đường phù hợp. Sử dụng hồ sơ thiết kế định hình đường giao thông nông thôn đã được Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-PD ngày 18-3-2004.
Định mức hỗ trợ làm mặt đường giao thông nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh thống nhất một mức 115 tấn xi măng và 100 triệu đồng cho mặt đường bê tông xi măng rộng 3 mét, dài 1 km. Mặt đường láng nhựa rộng 3 mét, dài 1 km hỗ trợ 12 tấn nhựa đường và 100 triệu đồng. Tùy theo chiều dài của tuyến đường để quy đổi ra mức hỗ trợ. Mức hỗ trợ nhựa đường và xi măng được tính tại thời điểm công bố giá của liên sở. Ngoài khoản hỗ trợ do tỉnh cấp, các huyện, thị xã, thành phố được phép huy động đóng góp trong nhân dân (không đóng góp bằng tiền). Nhân dân thôn, buôn, làng, tổ dân phố hoặc phường, xã đứng ra tổ chức thi công có sự giám sát của Ban đại diện nhân dân. Ngoài ra được tổ chức vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức khác đứng chân trên địa bàn, các lực lượng quân đội để tham gia làm đường giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức đóng góp như: Tiền, ngày công lao động, xe máy, thiết bị thi công...
Văn Quang