Công trình thanh niên “Hành trình thứ hai của lốp xe” đặt trong khuôn viên điểm trường mẫu giáo làng Ia Nueng (Trường Mẫu giáo xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đã thu hút đông đảo thiếu nhi đến vui chơi. Có em chơi xích đu, có em thích thú vui đùa với bên những mô hình động vật: mèo, thỏ… Em Trung (lớp 3.4, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu, xã Biển Hồ) chia sẻ: “Sau giờ tan học, em cùng các bạn tập trung tại đây để vui chơi. Em rất thích những mô hình, trò chơi này”.
“Hành trình thứ hai của lốp xe” là công trình do Đoàn xã Biển Hồ thực hiện trong tháng 3-2024. Đoàn xã đã liên hệ các cửa hàng sửa chữa xe ô tô để xin lốp xe cũ mang về vệ sinh sạch sẽ, sơn màu, vẽ hoa, hình động vật ngộ nghĩnh bắt mắt, rồi tiến hành lắp ráp thành đồ chơi. Đây là công trình thể hiện sự quan tâm của tổ chức Đoàn đối với các em thiếu niên, nhi đồng.
Công trình vui chơi từ lốp xe cũ mang lại sự thích thú cho thiếu nhi ở làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Ảnh: M.N |
Theo chị Trần Thị Hoài Thương-Bí thư Đoàn xã Biển Hồ, mỗi chiếc lốp xe được cửa tiệm bán với giá 20-30 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi Đoàn xã đặt vấn đề làm công trình thanh niên thì được tặng miễn phí. Việc tái chế lốp xe cũ không chỉ giúp Đoàn xã tiết kiệm chi phí mua vật liệu mà còn tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm. “Kinh phí của Đoàn xã có hạn nên không thể đầu tư mua sắm trò chơi đắt tiền. Điều kiện của bà con dân tộc thiểu số cũng khó khăn nên trẻ em ở làng hạn chế chỗ vui chơi an toàn. Với sự sáng tạo, khéo léo, các ĐVTN đã đóng góp ngày công thực hiện công trình. Lốp xe có độ bền cao khi để ngoài trời. Vì vậy, Đoàn xã đã quyết định xây dựng sân chơi từ lốp xe”-Bí thư Đoàn xã Biển Hồ cho hay.
Tương tự, Đoàn xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) đã biến những chiếc lốp xe thải loại thành vật dụng hữu ích là biển cảnh báo nguy hiểm. Nếu như Đoàn xã Biển Hồ sử dụng lốp xe ô tô thì Đoàn xã Ia Nhin sử dụng lốp xe máy. Lốp xe được huy động từ các cửa hàng sửa chữa xe máy, còn những vật liệu khác như: tấm nhựa mica, chữ dán, ốc vít… thì trích quỹ Đoàn để mua.
Lốp xe sau khi mang về được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô và sơn màu đen làm giá đỡ, khuôn định hình cho các biển báo. Các tấm nhựa mica được cắt tròn vừa với kích thước của lốp xe, sơn nền xanh rồi gắn cố định vào lốp xe, trên nền dán nội dung cảnh báo như: không uống rượu bia khi tham gia giao thông, nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, không vứt rác bừa bãi... Biển cảnh báo được đặt tại các trục đường chính, ngã ba, ngã tư và ao hồ trên địa bàn xã.
Đoàn xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) tái chế lốp xe thành các biển thông báo. Ảnh: Minh Nhật |
Khi đưa vào sử dụng, công trình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ và người dân địa phương. Các ĐVTN còn tái chế những chiếc lốp xe cũ thành đồ chơi cho thiếu nhi như: xích đu, chậu trồng cây… Anh Nguyễn Văn Thành-Bí thư Đoàn xã Ia Nhin-cho hay: “Biển báo làm từ lốp xe cũ không chỉ có ưu điểm là chi phí rẻ mà còn có độ bền cao. Công trình ý nghĩa này đã thể hiện trách nhiệm và tinh thần tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong các hoạt động tuyên truyền, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.
“Hành trình thứ hai của lốp xe” là chương trình do Trung ương Đoàn triển khai từ năm 2019 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh thiếu nhi và cộng đồng trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Hưởng ứng chương trình này, từ năm 2019 đến nay, các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hàng trăm mô hình, công trình thanh niên từ vật liệu là những chiếc lốp xe cũ.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-cho biết: Hưởng ứng chương trình “Hành trình thứ hai của lốp xe” do Trung ương Đoàn phát động, các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt, sáng tạo biến những chiếc lốp xe thành những vật dụng hữu ích như: thùng đựng rác, bồn hoa, bồn rửa tay, công trình vui chơi, biển cảnh báo nguy hiểm… Kinh phí hoạt động hạn chế nên cán bộ, ĐVTN tận dụng lốp xe cũ để thực hiện công trình. Hoạt động này còn góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường của ĐVTN nói riêng và người dân nói chung. Các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, nhân rộng mô hình ý nghĩa, thiết thực này.