Vào hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phố vừa đi qua tháng tư ngằn ngặt nắng, ấy vậy mà bừng một thoáng, hạ đã chơm chớm dậy thì, ngấp nghé mùa đâu đó. 
"Phố núi có đang vào hạ không?". Tôi nhận được email vẻn vẹn một dòng của người bạn ngoài Hà Nội. Với tôi, Pleiku vẫn đủ sắc màu, thanh âm, phức điệu để một sớm mai thức giấc, phố chuyển mình đón hạ.
Những ngày này, loanh quanh với phố, tôi thấy đang là mùa hạ nhuộm lên xanh. Phố vừa đi qua tháng tư ngằn ngặt nắng, ấy vậy mà bừng một thoáng, hạ đã chơm chớm dậy thì, ngấp nghé mùa đâu đó. Không hề ngoa dụ khi nói rằng, phố đã nuôi dưỡng tôi bằng những giấc mơ ngày hạ, mùa nối mùa. Và, mỗi khi tàng cây bằng lăng rụng bay cánh hoa tím ngát xuống phố, tôi xác tín rằng, hạ đã nhón gót đến bên cùng rực rỡ sắc phượng và những cơn mưa đầu mùa mát lành.
Mùa hạ, đường Wừu như một chiếc điều hòa nhiệt độ với bóng râm tỏa mát. Ngước lên cao, thấy ràn rạt gió, nhìn đâu cũng hằn dấu, in bóng những vân nắng li ti xuyên qua từng chùm lá thông. Tôi có đọc đâu rằng, cuộc đời mỗi người đều gắn bó với những hình cây, dáng lá. Cây vừa như tiền nhân, vừa như người bạn chở che, tỏa bóng mát xuống cuộc đời chúng ta.
Ai đi dạo bộ dưới tán râm của thông mới thấy hết vẻ thơi thới, râm mát của hàng cây bên phố này. Còn ngồi trong ô tô, người cầm vô lăng cũng muốn với tay chỉnh khí trời, lấy chút hương gió từ con phố rợp bóng thông xanh. Ngày nối ngày, tôi mấy lượt đi-về trên con phố thân thuộc mang tên người con Bahnar anh hùng lại thấy yêu hơn mảnh đất mình đã chọn để gắn bó. 
Phố núi có mùa hạ không? Khi ai đó ngồi trong quán cà phê quen thuộc, tay xoay xoay ly cà phê sớm mai, vân vê tà áo mà để lạc hồn theo những cơn gió thoáng qua, phả hơi mát lành quý giá. Cái quán cà phê quen thuộc đến mức chỉ dành riêng cho mùa hạ, ngân mãi giai điệu trong ca khúc “Vào hạ”, nghe hoài mà tim vẫn không thôi xuyến xao. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Đắm mình với phố, đã rất phố thật phố, hạ rất thật hạ, bình yên như một sợi tóc ngoan hiền. Thốt nhiên, tôi nhớ lời sẻ chia chân tình của cô giáo cũ khi nói rằng, đường Hùng Vương là con phố có mùa hạ nhuộm đỏ trong tim. Bởi phố rì rào đổ bóng những hàng phượng nghiêng nghiêng thả dáng, buông mình khoe từng cánh hoa chao theo bóng nắng hao hanh. Những hàng phượng vĩ được trồng trong những ngôi trường dọc đường Hùng Vương như những gì mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”.
Mới hôm qua, tôi chỉ thấy mấy đốm phượng còn rụt rè núp sau vòm lá xanh biếc mà sáng nay đã cháy rực một góc trời. Tôi dừng lại rất lâu ngay quán nước trước trường xưa và ngóng trông trong nỗi chờ đợi, khát khao đế đón một mùa hạ cháy bỏng. Có nhất thiết phải đợi chờ mùa hạ kịp đến mới khuấy động nổi ngọn lửa trong mình? Thì phải ngước lên vòm hoa đỏ đợi chờ ở đó một mùa hoa luôn đúng hẹn, đâu như người với người, đôi khi lỡ hẹn chỉ vì chút giận hờn, buồn tủi.
Mùa hạ chào phố bằng một miền nắng vàng mơ mải. Phố chào mùa hạ bằng bộn bề cảm xúc, chất chứa những yêu thương, mơ ước, dự định và niềm tin. Còn tôi chào mùa hạ bằng niềm thương nỗi nhớ, đôi khi lại nhẩm đọc những câu thơ từ lâu đã thuộc nằm lòng: “Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say/Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo trước/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu…”.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.