(GLO)- Trong các tài liệu hướng dẫn việc tổ chức triển khai lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đều đã nói rõ các nội dung cụ thể. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh Gia Lai về việc này đã định hướng rõ cả về mục đích, yêu cầu, nội dung và hình thức tổ chức lấy ý kiến.
Trong đó khẳng định mọi người có quyền tham gia góp ý toàn bộ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, tùy từng chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của từng tổ chức, cá nhân mà tham gia sâu lĩnh vực mình đảm nhận và quan tâm.
Các hình thức tổ chức lấy ý kiến và đối tượng lấy ý kiến cũng đã được xác định cụ thể, việc tiến hành triển khai cũng được phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với trách nhiệm của các ngành, các cấp, phân kỳ về thời gian tiến độ chi tiết. Tuy vậy, chúng tôi thấy vẫn cần đặt vấn đề vai trò của cơ quan báo chí trong quá trình này.
Trước hết, việc đảm bảo tính chân thật, cầu thị khi tiếp nhận thông tin từ bạn đọc và việc xử lý thông tin đó của Ban Biên tập trước khi cho đăng, phát-nếu nội dung đó phù hợp với yêu cầu đặt ra và không vi phạm tôn chỉ mục đích của báo. Chúng ta thường thấy trong những vấn đề có tính phổ cập, những chủ trương, chính sách lớn, phạm vi điều chỉnh rộng Chính phủ phải trưng cầu ý kiến của nhân dân thì một mặt người dân chưa thật sự mặn mà khi tỏ rõ chính kiến của mình thông qua kênh báo chí; mặt khác, những gởi gắm tâm huyết của người dân chưa thật sự được báo chí cầu thị tiếp nhận và xử lý nghiêm túc.
Vấn đề lớn hơn, nhiều ý kiến được dư luận đặc biệt quan tâm thông qua báo chí đã được đăng tải trang trọng lại bị các nhà làm luật, những ngành chức năng “phớt lờ”. Tiếc thay những chuyện bị “phớt lờ” ấy lại đã được thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm và chứng minh sự đúng thuộc về nhân dân và cũng vì vậy nên không ít những văn bản pháp quy vừa ban hành đã lại… sửa đổi bởi nó “vênh” với thực tế cuộc sống vốn rất khách quan.
Báo chí là kênh thông tin phổ cập rất lớn, sức lan tỏa rất nhanh, khi cả hai (“người” góp ý và “người” tiếp thu) cùng tôn trọng nhau thì diễn đàn này là nơi sẽ trở thành hữu ích, còn ngược lại, thì như chúng ta đã biết.
Lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 này, chủ trương của các cơ quan chức năng nhất quán là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện cho được ý chí, nguyện vọng của nhân dân và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức đối với công việc trọng đại của đất nước nhằm góp phần của mọi người trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Báo chí thể hiện với vai trò là cầu nối, là người giao liên tin cẩn, phục vụ tốt đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn lần này, vai trò đó cần được khẳng định!
Bích Hà (Nhà báo)