Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyền cấp phép xây dựng công trình cấp I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14), thẩm quyền cấp phép xây dựng công trình cấp I đã được điều chỉnh theo hướng phân quyền mạnh hơn cho các địa phương.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Trước thông tin cử tri phản ánh về việc thẩm định công trình cấp I nằm trên địa bàn các tỉnh còn làm khó cho chủ đầu tư, Bộ Xây dựng khẳng định “các tiêu chí phân cấp đã được điều chỉnh theo hướng phân quyền mạnh hơn cho các địa phương.”
Theo nội dung kiến nghị của cử tri các tỉnh Thanh Hóa, Tây Ninh vừa được Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Xây dựng, căn cứ phân cấp thì các công trình cấp I do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng công trình này do địa phương cấp thì không thuận tiện cho chủ đầu tư phải đi lại hai nơi.
Do đó, để thuận tiện cho chủ đầu tư của các dự án, cử tri đề nghị Bộ Xây dựng xem xét ủy quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công - dự toán của công trình cấp I nằm trên địa bàn các tỉnh cho các sở chuyên ngành của địa phương để tránh đi lại và mất nhiều thời gian thực hiện; hoặc điều chỉnh lại phân cấp công trình để phân quyền mạnh hơn cho các địa phương.
Trả lời kiến nghị của cử tri về nội dung nêu trên, phía Bộ Xây dựng cho biết theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, các công trình xây dựng cấp I thuộc đối tượng phải thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và phải thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng tại địa phương nơi xây dựng công trình.
Để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 đã sửa đổi theo hướng phân quyền mạnh hơn cho các địa phương.
Cụ thể, các công trình đã thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 30 Điều 1 của Luật là miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng.
Đối với các công trình phải thực hiện cấp phép xây dựng công trình thì không phải thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng (phân cấp việc thẩm định cho chủ đầu tư, một số nội dung quản lý nhà nước về xây dựng trong giai đoạn thẩm định thiết kế được xem xét tại bước cấp phép xây dựng).
Do đó, toàn bộ thẩm quyền cấp phép xây dựng công trình đã được phân cấp cho địa phương theo quy định tại khoản 37 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 “bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt.”
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BXD về sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
“Theo đó, các tiêu chí phân cấp đã được điều chỉnh theo hướng phân quyền mạnh hơn cho các địa phương,” văn bản của Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.