Ưu tiên nguồn lực cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, thời gian qua, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) Gia Lai luôn chú trọng đầu tư nguồn lực duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và rà soát, xử lý kịp thời các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến đường bộ.
Sở GT-VT được giao quản lý 4 tuyến quốc lộ gồm: 25, 14C, 19D và đường Trường Sơn Đông với tổng chiều dài 371 km cùng 10 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 372 km. Trong những năm qua, mật độ phương tiện giao thông qua địa bàn tỉnh tăng cao, nhất là các loại xe có tải trọng lớn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng với đó, một số tuyến đường đã xuống cấp và còn nhiều bất cập nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Ông Đỗ Lê Sơn-Phó Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GT-VT) thông tin: Nhằm cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý các “điểm đen”, ngay sau khi kế hoạch bảo trì năm 2022 được UBND tỉnh, Bộ GT-VT phê duyệt, Sở GT-VT đã khẩn trương triển khai các bước: thiết kế, phê duyệt hồ sơ, triển khai đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công các công trình. Đồng thời, Sở tăng cường kiểm tra, rà soát trên các tuyến nhằm kịp thời phát hiện các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), đối chiếu với các quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT của Bộ GT-VT để xác định “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý.
Đến thời điểm này, Sở GT-VT đã lập kế hoạch giao sửa chữa 9 công trình trên các tuyến tỉnh lộ 661, 664, 667, 668, 669. Trong đó, dự kiến tập trung vào việc sửa chữa khoảng 15 km mặt đường, 3,5 km rãnh thoát nước dọc; kiểm định đánh giá an toàn 10 cây cầu; bổ sung, tăng cường hệ thống ATGT. Kế hoạch vốn cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên năm 2022 là 11,9 tỷ đồng, khối lượng đã thực hiện 6 tháng đầu năm là hơn 5,3 tỷ đồng.
Duy tu bảo trì mặt đường quốc lộ 25. Ảnh: Lê Anh
Duy tu bảo trì mặt đường quốc lộ 25. Ảnh: Lê Anh
Bên cạnh đó, Sở GT-VT đã lập kế hoạch thực hiện 9 công trình sửa chữa trên tuyến quốc lộ 25, 14C, 19D và đường Trường Sơn Đông. Khối lượng thực hiện sửa chữa khoảng 35,9 km mặt đường; kiểm định đánh giá an toàn 9 cây cầu; bổ sung, tăng cường hệ thống ATGT trên tuyến. Kế hoạch vốn cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên năm 2022 là hơn 18,8 tỷ đồng, khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm là hơn 8,4 tỷ đồng.
Để xóa các “điểm đen” TNGT, trong năm 2021, Sở đã bổ sung sơn kẻ tim đường 5.179 m2; bổ sung 129 biển báo hiệu giao thông; bổ sung 2.217 m tường hộ lan. Riêng từ đầu năm đến nay, Sở đã hoàn thành xử lý “điểm đen” trên quốc lộ 25, mở rộng đường cong và lắp đặt hệ thống ATGT trên đèo Chư Sê, đoạn từ Km 156 đến Km 159, lắp đặt hệ thống ATGT đoạn Km 161-Km 164+500; xử lý điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại cầu Bản Km 346+750 trên đường Trường Sơn Đông (thuộc xã An Trung, huyện Kông Chro); đoạn đèo, dốc Ya Ma Km 23+800 đến Km 24+500 tỉnh lộ 667 và sửa chữa, bổ sung hệ thống ATGT các đoạn Km 28+600 đến Km 30+040, Km 30+430 đến Km 30+630, Km 36+215 đến Km 36+825, Km 37+490 đến Km 37+750 trên quốc lộ 19D với tổng giá trị thực hiện hơn 3,4 tỷ đồng.
Ngoài việc kiểm tra, rà soát các vị trí nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, Sở GT-VT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo trì để đảm bảo ATGT trên hệ thống đường địa phương và hướng dẫn lập hồ sơ xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên hệ thống đường địa phương.
Ông Đỗ Lê Sơn cho biết thêm: Thời gian tới, Sở GT-VT tiếp tục tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền đầu tư xây dựng, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ và tỉnh lộ đã xuống cấp. Đối với kế hoạch sửa chữa hàng năm, Sở tập trung ưu tiên xử lý các bất cập trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ được giao quản lý. Cùng với đó, Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý xe quá tải trên các tuyến tỉnh lộ, các tuyến quốc lộ, nhất là các tuyến đường đi qua các mỏ sản xuất vật liệu, các dự án, công trình xây dựng đang triển khai; xây dựng kế hoạch tập trung giải tỏa và xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ.
“Ngoài ra, Sở GT-VT đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo trì trên các tuyến đường giao thông được giao quản lý theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân sinh sống ven đường nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, không chiếm dụng đất hành lang đường bộ”-ông Sơn cho biết thêm.
LÊ ANH
 

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.