Uống cà phê và nước ép theo kiểu này, tăng nguy cơ đột quỵ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hai phân tích từ dự án nghiên cứu INTERSTROKE đã chỉ ra tác động cụ thể của các kiểu uống cà phê, trà, nước ép, nước ngọt... lên nguy cơ đột quỵ.

Nhóm tác giả dẫn đầu bởi Đại học Galway (Ireland) vừa công bố 2 báo cáo mới là kết quả phân tích từ bộ dữ liệu của nghiên cứu quốc tế lớn hơn về đột quỵ mang tên INTERSTROKE mà họ là một trong các đơn vị đồng dẫn đầu.

Các kết quả chỉ ra tác động chi tiết của thức uống mọi người hay sử dụng lên nguy cơ đột quỵ, bao gồm tính "hai mặt" của cà phê, trà hoặc nước ép trái cây, vốn phụ thuộc vào chủng loại, cách pha chế, tần suất uống.

Tác động của đồ uống lên nguy cơ đột quỵ còn tùy vào cách bạn tiêu thụ chúng như thế nào - Minh họa AI: ANH THƯ
Tác động của đồ uống lên nguy cơ đột quỵ còn tùy vào cách bạn tiêu thụ chúng như thế nào - Minh họa AI: ANH THƯ

Theo Medical Xpress, INTERSTROKE là một trong những nghiên cứu quốc tế lớn nhất về các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, với sự tham gia của gần 27.000 người ở 27 quốc gia, trong đó có gần 13.500 người bị đột quỵ lần đầu.

Những người tham gia nghiên cứu đến từ nhiều vùng địa lý và dân tộc khác nhau, với hồ sơ rủi ro tim mạch khác nhau, bao gồm nhiều tình nguyện viên từ Ireland và Anh.

Báo cáo đầu tiên công bố trên tạp chí y học Journal of Stroke cảnh báo rằng chỉ cần hơn 2 ly đồ uống có chứa đường nói chung - bất kể đường thông thường hay đường ăn kiêng (chất tạo ngọt nhân tạo), nguy cơ đột quỵ đều tăng 22%.

Các tác giả cũng lưu ý rằng thói quen uống nước ép trái cây cũng gây hại - nếu như bạn đang muốn tiện dụng và dùng loại đóng chai, đóng hộp.

"Dạng nước ép trái cây được làm từ chất cô đặc, chứa thêm đường và chất bảo quản, có thể làm mất đi những lợi ích thường có ở trái cây tươi và thực sự làm tăng nguy cơ đột quỵ" - các tác giả cảnh báo.

Việc uống thường xuyên nước ép loại này làm tăng 37% nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não. Nếu mức uống lên tới 2 ly/ngày, nguy cơ tăng 300%.

Trái lại, thói quen tốt là uống hơn 7 ly nước lọc mỗi ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ liên quan đến huyết khối (cục máu đông, có thể gây ra đột quỵ do nhồi máu não).

Còn nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học International Journal of Stroke tập trung vào cà phê và trà.

Trong khi một số nghiên cứu trước đây cho thấy khoảng 1-3 tách cà phê mỗi ngày là có lợi cho hệ tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ, phân tích mới này cảnh báo việc uống hơn 4 tách cà phê đậm đà mỗi ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 37%.

Uống 3-4 tách trà đen mỗi ngày có liên quan đến việc giảm 29% nguy cơ đột quỵ; trong khi 3-4 tách trà xanh mỗi ngày có liên quan đến việc giảm 27% nguy cơ đột quỵ.

Nhưng có một tin buồn cho những người thích uống trà sữa: Thêm sữa làm giảm hoặc ngăn chặn tác dụng có lợi của chất chống oxy hóa có trong trà, nên việc uống trà sữa không giúp bạn phòng ngừa đột quỵ.

Tất nhiên nó có thể gây hại nếu bạn thêm đường và khiến ly trà sữa này bị xếp vào nhóm "đồ uống có đường" bên trên.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Thiếu vitamin C gây hại thế nào cho cơ thể?

Vitamin C là một trong những chất chống ô xy hóa quan trọng, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần vào nhiều chức năng khác của cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin C không những khiến hệ miễn dịch suy yếu mà còn gây nhiều tác động tiêu cực.