Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Phú Quốc đề nghị tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng địa phương; bảo vệ cảnh quan, môi trường và giá trị văn hóa, lịch sử tại các điểm du lịch và giữ gìn vệ sinh chung, an ninh, trật tự tại nơi công cộng…
Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch như hướng dẫn du khách tuân thủ pháp luật và các quy định tại điểm đến, không phân biệt đối xử với khách du lịch, tích cực hỗ trợ du khách trong trường hợp xảy ra rủi ro, cần giúp đỡ. Yêu cầu các dịch vụ du lịch cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa uy tín, chất lượng, an toàn; công khai giá cả, dịch vụ, hàng hóa và bán đúng theo giá niêm yết. Cạnh tranh lành mạnh, giữ uy tín. Không chèo kéo, đeo bám, tranh giành, nài ép khách du lịch; không cấu kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khác để trục lợi từ khách du lịch…
Bộ quy tắc còn kêu gọi khách du lịch thực hiện ứng xử văn minh, tự trọng và trách nhiệm. Doanh nghiệp lữ hành hoạt động chuyên nghiệp, uy tín và chất lượng; cơ sở lưu trú sạch sẽ, chuyên nghiệp, đồng bộ, thân thiện; đơn vị vận chuyển khách an toàn, chuyên nghiệp; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vệ sinh, an toàn, văn minh, chuyên nghiệp…; cộng đồng dân cư hiếu khách, thân thiện, văn minh...
Có thể xem đây là một trong những văn bản cần thiết đối với thành phố được xem là "đảo ngọc" như Phú Quốc, nơi thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Bên cạnh những điểm cộng về cảnh quan, tiện nghi, phục vụ ở những khu du lịch hạng sang thì không ít địa điểm du lịch ở thành phố này nhếch nhác, chụp giật, xảy ra nhiều vụ việc khiến người dân và du khách lo ngại, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Ban hành văn bản này, Phú Quốc hướng đến phát triển du lịch thân thiện, an toàn, có tính bền vững, để thu hút khách đến và nhiều lần trở lại.
Từ tháng 3-2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, nhằm định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi du lịch. Trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử này, nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai... đã cụ thể hóa và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch cho khách du lịch tại địa phương. Qua đó, bớt dần tình trạng chụp giật, "chặt chém", khách đến nhiều hơn, doanh thu du lịch tăng…
Du lịch không chỉ là khách đến rồi đi mà đến với tâm thế háo hức, vui vẻ, được tiếp đón thân thiện, dịch vụ chu đáo, được hiểu biết, trải nghiệm về điểm đến và ra đi mà còn lưu luyến, mới là trọn vẹn, đúng nghĩa du lịch. Bộ quy tắc ứng xử được vận dụng không chỉ chứng tỏ người Việt Nam hiếu khách, thân thiện mà còn hướng đến lợi ích lớn hơn, tầm nhìn xa hơn. Mong có thêm nhiều địa phương cụ thể hóa bộ quy tắc ứng xử trong du lịch như Phú Quốc.